Phòng Khám Cơ Xương Khớp Sports Medic

DÂY CHẰNG NHÂN TẠO LÀ GÌ?

DÂY CHẰNG NHÂN TẠO LÀ GÌ?

Tác giả: quantriweb25/03/2024

Dây chằng nhân tạo hiện đã là thế hệ 3 (LARS) cấu tạo bởi các chất liệu tốt hơn và phù hợp với cơ thể người hơn. Dây chằng nhân tạo thế hệ 1& 2 trước đây bắt đầu từ những năm 1970s quá cứng, bị bào mòn và gây ra viêm hoạt mạc do những mảnh nhỏ của nó tạo thành dị vật khớp.

Dây chằng thế hệ mới nhất này (LARS: Ligament Augmentation and Reconstruction System) có ƯU ĐIỂM sau:

– Không phải hi sinh gân tự thân.

– Thời gian mổ nhanh.

– Phục hồi sau mổ nhanh.

– Độ bền cao.

– Có tính chất sinh học: mô sợi và mô gân có thể mọc vào bên trong.

NHƯỢC ĐIỂM:

– Kinh nghiệm về dây chằng nhân tạo không nhiều, mới khoảng 10 năm nay nên không ai biết về sự lâu dài nó sẽ như thế nào trong cơ thể.

– Vẫn bị lỏng thứ phát như dây chằng tự thân. Điểm yếu nhất của hệ thống này nằm ở con vít chèn bắt đầu dưới dây chằng vào đường hầm xương chày (hình). Dùng vít chèn thì bao giờ cũng có độ trượt, trong khi dây chằng nhân tạo thì không bám dính vào xương như mảnh ghép gân thông thường, nên nguy cơ lỏng thứ phát do trượt mảnh ghép luôn luôn có. Ngược lại với dây chằng nhân tạo, mảnh ghép gân tự thâ khi đã dính vào đường hầm xương thì không còn bị trượt nữa.

– Phải dùng nhiều vật liệu nhân tạo.

– Mặc dù nhiều nghiên cứu gần đây về phục hồi sau mổ bằng dây chằng nhân tạo cho thấy kết quả tốt tương đương hoặc hơn dùng mảnh ghép gân, một số vẫn cho thấy tỉ lệ thất bại cao lên đến 33%, hơn nữa một số báo cáo cho thấy số trường hợp bị viêm khớp do dị vật lên đến trên 18%. (Cameron J Norsworthy, 2017 ISAKOS Congress). Một khi xảy ra tình trạng viêm màng hoạt dịch do dị vật (viêm khớp) thì tình trạng rất nặng & khó chữa trị, thường không đáp ứng với thuốc mà cần phải mổ lấy hết dây chằng nhân tạo ra. (A case report of traumatic osteoarthritis associated with LARS artificial ligament use in anterior cruciate ligament reconstruction BMC Musculoskeletal Disorders volume 21, Article number: 745 (2020).

– Khác với dây chằng thông thường có các đầu dây thần kinh giúp tạo ra các phản xạ tự thân giúp cho dây chằng “nhận biết” các vận động của khớp và phối hợp với các cơ xung quanh, dây chằng nhân tạo không có thần kinh phản xạ. Dây chằng nhân tạo LARS mặc dù lý về lý thuyết là bộ khung cho mô mềm mọc vào, nhưng thực tế các trường hợp mổ lại chỉ thấy canxi, tế bào sụn và một ít đại thực bào cư trú trong đó (Yuanliang Du, 2020).

QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN

Có vẻ các ưu điểm của dây chằng nhân tạo phù hợp với các đối tượng muốn nhanh chóng đạt  mục tiêu trong ngắn hạn. Ví dụ các cầu thủ muốn trở lại thi đấu nhanh với thời gian mổ ngắn. Xuất viện sớm và không phải hi sinh gân của mình. Đối với những người muốn có một dây chằng tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể mà không phải lo lắng gì về tương lai của nó, dây chằng nhân tạo không phải là lựa chọn tốt nhất của họ.

Hệ thống dây chằng nhân tạo LARS này cũng không tận dụng được ưu điểm tuyệt vời của kỹ thuật All-Inside là treo dây chằng vào vỏ xương là nơi chắc chắn nhất. Kỹ thuật All- Inside còn có ưu điểm cho phép mất ít xương hơn, cộng với bảo tồn vỏ xương cứng do cách khoan đường hầm chột của nó khác với khoan thông thường.

Kỹ thuật dây chằng nhân tạo LARS cũng không mô tả cách tái tại dây chằng hai bó, vốn là cách để phục hồi đúng giải phẫu học và chức năng tối ưu hoá của dây chằng tự nhiên. Như vậy hệ thống LARS đã vô tình giới hạn các kỹ thuật và cơ hội vận dụng khả năng sáng tạo của phẫu thuật viên, chỉ để đổi lấy thời gian mổ nhanh và tiết kiệm được gân, chưa kể chi phí cho dây chằng nhân tạo này không phải là thấp.

Với vấn đề không tiên lượng được là dây chằng nhân tạo có thể bị “mòn”, từ đó tạo ra các dị vật và gây viêm màng hoạt dịch, dây chằng nhân tạo có vẻ phù hợp với các trường hợp “tái tạo ngoài khớp”, ví dụ dây chằng bên khớp gối, dây chằng cổ chân, dây chằng vùng vai…lúc đó các vật liệu nhân tạo cho dù bị mòn cũng không gây ra vấn đề với hoạt dịch.

TÓM LẠI:

Dây chằng nhân tạo nên sử dụng cho những trường hợp và những vị trí đặc biệt , không phải là lựa chọn đầu tiên cho tái tạo dây chằng với mảnh ghép gân hiện nay.

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng