Phòng Khám Cơ Xương Khớp Sports Medic

Viêm Gân Cơ Xoay Và Hội Chứng Chạm Mỏm Cùng Vai

Viêm Gân Cơ Xoay Và Hội Chứng Chạm Mỏm Cùng Vai

Tác giả: Admin29/04/2024

Viêm gân cơ xoay và Hội chứng chạm mỏm cùng vai là tổn thương chúng tôi gặp nhiều nhất ở vùng vai ở những người chơi thể thao có sử dụng động tác đưa tay quá đầu (Bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bơi lội…). Bệnh này cũng thường gặp ở nhóm tuổi trung niên trở lên, khi mà gân cơ bị yếu đi do tuổi tác và hoạt động quá mức.

Triệu chứng của các tổn thương

Bệnh nhân thường than phiền đau ở đỉnh vai, lan xuống cánh tay, xuất hiện khi tay đưa quá đầu hay xoay tay. Ở những trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra cả ngày đêm làm bệnh nhân thức giấc.

Tổn thương xảy ra ở nhóm gân cơ xoay, gồm 4 cơ nằm bọc quanh khớp vai, giúp giữ chắc khớp vai và nâng cánh tay (Hình). Nhóm gân này tuy mỏng nhưng giữ vai trò rất chính trong hoạt động của khớp vai nên rất đễ bị tổn thương.

Túi hoạt dịch vai nằm giữa nhóm gân xoay bên dưới và một vòm xương bên trên gọi là cung cùng- quạ.Túi này có tác dụng làm tấm đệm cho gân xoay trượt và do đó cũng dễ bị viêm khi cánh tay hoạt động quá mức gây ra Hội chứng chạm mỏm cùng vai

 Nguyên nhân nào thường gây ra tổn thương này?

–    Vận động quá mức: động tác đưa tay quá đầu lặp đi lặp lại là nguyên nhân thường gặp nhất của căn bệnh này

–    Thể lực yếu: khi sức cơ yếu mà phải thực hiện những động tác quá nặng thì gân cơ và túi hoạt dịch sẽ bị viêm và gây đau

–    Kỹ thuật không đúng hoặc không phù hợp trong các môn có giơ tay quá đầu hoặc xoay vai như bóng chuyền, tennis, ném lao, bơi lội…

–    Chương trình huấn luyện quá nặng: cũng có thể gây ra tình trạng này

–    Lỏng lẻo khớp vai hoặc những tổn thương trước đó của vùng vai

Bệnh này điều trị như thế nào?

–    Nghỉ ngơi: tránh các động tác mà đã gây cơn đau, trường hợp nặng có thể phải nghỉ tập hoàn toàn. Bác sỹ có thể yêu cầu bạn mang nẹp để bất động khớp vai tạm thời

–    Chườm đá:chườm túi đá vùng vai ít nhất 2 lần/ ngày trong 10- 15 phút. Phải luôn luôn chườm đá 15p sau mỗi vận động có sử dụng cánh tay

–    Vật lý trị liệu (VLTL): kỹ thuật viên VLTL sẽ giúp bạn các bài tập để phục hồi lại tầm độ vận động khớp, tăng sức mạnh cơ và tránh tái phát

–    Dùng thuốc: Bác sỹ có thể cho bạn uống các loại thuốc kháng viêm – giảm đau trong vòng một vài tuần trong thời gian cơ thể tự lành vết thương. Có thể chích Corticoid vào khớp vai nếu uống thuốc không hiệu quả( Sau khi chích không nên vận động mạnh khớp vai trong 2 tuần).

–    Hiện nay, phẫu thuật nội soi khớp vai với các dụng cụ hiện đại dùng để cắt đốt các mô viêm, mài rộng khoang cùng- quạ, khâu cơ bằng chỉ tự tiêu… giúp giải quyết tận gốc và cho kết quả phục hồi rất khả quan.

Khi nào có thể trở lại tập luyện thể thao được và bắt đầu như thế nào?

Nguyên tắc:

–    Giai đoạn đau cấp tính: nghỉ ngơi

–    Tập VLTL khi bớt đau

–    Tập luyện trở lại tăng dần khi hết đau.

Lưu ý: Làm nóng và khởi động kỹ, không tập luyện kéo dài, tăng dần cường độ tập, tránh các động tác quá đầu trong vài môn như tennis, ném lao, hay thay đổi từ bơi bướm sang bơi ngữa..

Luyện tập như thế nào để khỏi bệnh và mau phục hồi?

Tập tăng tầm độ khớp ở mọi hướng để tránh cứng khớp. Khi bớt đau tập tăng sức cơ và kéo dãn để ngăn ngừa tái phát. Số lần tập từ 2 lần/ngày trở lên theo chỉ định cụ thể của bác sỹ

Bài tập tăng tầm độ khớp (tập kéo dãn:ROM Exercise): Xem thêm bài NGĂN NGỪA CHẤN THƯƠNG TRONG TẬP LUYỆN THỂ THAO

+Xoay vòng vai:

+ Lau lưng:

+ Xoay ngoài và đưa trước:

Bài tập tăng cường sức cơ (tập với tạ hay có kháng lực):

Có thể dùng các dụng cụ chuyên dùng y khoa hay dụng cụ thể thao hoặc tự chế. Tránh nâng tay cao quá vai.

Bài đăng báo Thể Thao TPHCM

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng