Mục lục bài viết
Dịch tễ học tổn thương dây chằng chéo trước trong thể thao:
Tổn thương dây chằng chéo trước nằm trong danh sách các loại tổn thương thường gặp nhất trong bóng đá . Thống kê mỗi năm tại Hoa kỳ có 200.000 tổn thương liên quan tới dây chằng chéo trước, trong đó có 95.000 trường hợp đứt dây chằng chéo trước, chiếm tỉ lệ 1/3.500 dân số. Tỉ lệ này cao hơn trong các môn thể thao nguy cơ cao như bóng rổ, bóng đá, bóng chày, trượt tuyết…78% các đứt dây chằng chéo trước do thể thao nằm trong các môn này. Mỗi năm có gần 70.000 trường hợp phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước ở Hoa kỳ do nguy cơ rách thêm sụn chêm và thoái hóa khớp sau tổn thương dây chằng chéo trước nếu không được điều trị [56]. Powell và cộng sự báo cáo tổn thương dây chằng chéo trước cao gấp 100 lần so với bình thường ở các cầu thủ bóng đá là sinh viên đại học [12], [64].
Một nghiên cứu trên 46.472 thanh thiếu niên ở Phần lan, tuổi từ 14-18 trong 9 năm, cho thấy tần suất tổn thương dây chằng chéo là 60.9 trên 100.000 dân số mỗi năm. Đối với những người chơi thể thao trên 4 lần một tuần thì tỉ lệ tổn thương dây chằng chéo trước là 8.5% ở nữ giới và 4.0% ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy tần suất chơi thể thao càng tăng thì tỉ lệ tổn thương dây chằng chéo càng cao, đặc biệt ở vận động viên nữ trẻ [59].
Ajit khảo sát kích thước 27 dây chằng chéo trước đối bên của các trường hợp đứt dây chằng chéo trước do chấn thương thể thao không do va chạm trực tiếp bằng phim cộng hưởng từ, so sánh với nhóm đối chứng. Kết quả có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kích thước dây chằng chéo trước giữa hai nhóm, thể tích trung bình của nhóm có đứt dây chằng chéo trước là 1921 mm3, trong khi của nhóm chứng là 2151 mm3[10].
Đặc điểm tổn thương dây chằng chéo trước trong bóng đá:
Đặc điểm vận động trong bóng đá gồm: chạy, nhảy và xử lý bóng. Một vài vận động có bóng như sút bóng, dẫn bóng, đánh đầu trong khi các vận động khác không bóng như chạy chỗ, cắt mặt, dừng đột ngột. Do đó khác với điền kinh, vận động của cầu thủ bóng đá liên quan tới sự thay đổi liên tục tư thế của cơ thể để đón bóng, xử lý bóng, quan sát đối phương… cần sự thăng bằng và mức phản xạ rất cao và hoàn hảo. Điều đó có nghĩa cầu thủ cũng dễ bị chấn thương nếu có các vấn đề về thể lực, tâm lý và chấn thương trước đó.
Theo báo cáo của Piero Volpi năm 2006 tại Ý, có một triệu người chơi bóng đá, trong đó có 3000 cầu thủ chuyên nghiệp. Trong 5 mùa bóng 1995-2000, có tổng 335 chấn thương, trong đó 105 chấn thương cơ, 97 đụng dập mô mềm, 58 bong gân và dây chằng [81].
Junge tổng kết World cup 2002 ở Hàn quốc: 171 chấn thương trong 64 trận, trung bình 2.7 chấn thương mỗi trận [40].
Theo Bjordal, nghiên cứu hồi cứu trên 972 vận động viên đứt dây chằng chéo trước, chẩn đoán qua nội soi từ 1982 đến 1991, cho thấy tỉ lệ như sau [20]:
– Tỉ lệ tổn thương DCCT chung: 0.063 tổn thương trên 1000 giờ thi đấu, trong đó tần suất ở nữ cao hơn nam rất nhiều: 0.100/1000 giờ so với 0.057/ 1000 giờ ở nam.
– Đa số chấn thương (70%) xảy ra trận đấu, 46% do cơ va chạm trực tiếp. 69.3% cầu thủ chấn thương là ở hàng phòng thủ.
Tổn thương dây chằng chéo trước ở nữ vận động viên:
Phụ nữ khi tham gia thể thao vừa gặp các chấn thương thể thao chung như nam giới, vừa có các vấn đề riêng đặc thù của nữ giới. Ba chứng bệnh đặc biệt gọi là ‘tam chứng” hay gặp ở nữ vận động viên là chứng chán ăn (gấp 15-62 lần so với phụ nữ bình thường), rối loạn kinh nguyệt (do căng thẳng quá mức, do ăn kém làm dự trữ mỡ giảm), và gãy xương mệt (hậu quả của giảm estrogen từ rối loạn trên).
Về chấn thương dây chằng chéo trước, nhiều báo cáo cho thấy tỉ lệ Vận động viên nữ bị chấn thương dây chằng chéo trước cao hơn từ 4-7 lần so với nam giới trong cùng mức độ chơi thể thao [47].
Nhiều yếu tố giải thích cho điều này, gồm khác biệt về giải phẫu học, các chu kỳ thay đổi nội tiết tố ở nữ và vấn đề tập luyện [35].
Một nghiên cứu khác trên các đối tượng là nữ vận động viên đỉnh cao có kết quả tới 70% tổn thương dây chằng chéo trước là chấn thương không va chạm, điều này khẳng định rằng các yếu tố nội tại, liên quan tới cơ địa người nữ vận động viên là quan trọng [60]. Ahma (2006) cho thấy dây chằng chéo trước ở nữ chịu một lực căng cao hơn nam giới khi vận động, đồng thời cơ hamstring ở nữ cũng kém phát triển hơn, đó là các yếu tố góp phần làm dây chằng chéo trước ở nữ dễ tổn thương [10].
Woitis (1998) hồi cứu trên 40 vận động viên nữ tuổi trung bình 28, kết quả dây chằng chéo trước tổn thương nhiều nhất vào ngày 10-14 của chu kỳ kinh nguyệt, tức vào giai đoạn rụng trứng [85].
Theo Tymothy E, luyện phản xạ tự thân giúp giảm tới 40% tổn thương DCCT ở nữ giới [36].
Như vậy tổn thương dây chằng chéo trước xảy ra với một tỉ lệ nhất định trong môn bóng đá, thời gian chơi càng nhiều khả năng bị chấn thương càng cao, nữ nhiều hơn nam, có yếu tố cơ địa liên quan kích thước dây chằng.
Chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước:
+ Cơ chế chấn thương:
Ngoài các cơ chế chấn thương trực tiếp lên gối, dây chằng chéo trước thường bị tổn thương không có va chạm như vặn xoắn gối, vận động giảm tốc hay đổi hướng đột ngột, té ngã khi nhảy… Kiểu tổn thương này thường gặp trong các môn như trượt tuyết, bóng đá, bóng chày. Loại chấn thương gián tiếp này chiếm tới 70% ở nữ giới.
Cơ chế chấn thương thường gặp nhất làm tổn thương dây chằng chéo trước là đùi bị vặn xoay ngoài trong khi cẳng chân bị cố định vào mặt sân, cộng với lực vẹo ngoài gối, gây ra tổn thương dây chằng chéo trước do vặn xoắn [37].
Một cơ chế khác là cẳng chân xoay trong trong khi gối ưỡn, hay gặp ở môn bóng rổ khi vận động viên tiếp đất sau khi ném rổ. Gối ưỡn quá mức cũng có thể gây đứt dây chằng chéo trước như trong bóng đá. Một nghiên cứu trên các vận động viên trượt tuyết cho thấy dây chằng chéo trước bị tổn thương do ba loại chấn thương gián tiếp [38]:
1. Té tới trước: khi đó cẳng chân xoay ngoài so với đùi, làm tổn thương cấu trúc bên trong của gối (dây chằng bên trong).
2. Té ngã ra sau: khi đó mâm chày di chuyển ra trước trong khi thân người ngã sau tạo một lực chấn thương lên dây chằng chéo trước giống như nghiệm pháp ngăn kéo trước gây đứt dây chằng chéo trước đơn thuần.
3. Xoay trong cẳng chân khi gối duỗi tối đa: vận động viên không bị té ngã, nhưng do thân người xoay ngoài trong khi gối ưỡn thẳng do đổi hướng đột ngột.
Tóm lại, có thể tóm tắt cơ chế gây tổn thương dây chằng chéo trước như sau:
– Chấn thương trực tiếp: đẩy mâm chày ra trước
– Chấn thương gián tiếp: 3 cơ chế
- Cẳng chân xoay ngoài, gối vẹo ngoài
- Cẳng chân xoay trong, gối ưỡn
- Khác: gối ưỡn quá mức, té ngã sau…
+ Các dấu hiệu cơ năng của đứt dây chằng chéo trước:
Trong khoảng 40% bệnh nhân có nghe được tiếng kêu ‘rắc’ ngay khi chấn thương. Thường vận động viên sẽ không thể tiếp tục thi đấu và gối sẽ sưng to do tràn máu sau vài giờ trong 70% trường hợp [37].
Trường hợp gối lỏng do đứt dây chằng chéo trước mãn tính thì những dấu trên không còn nữa, bệnh nhân cũng ít đau, thay vào đó là các dấu hiệu lỏng gối: lỏng lẻo khi chạy nhảy, chân có cảm giác bán trật ra ngoài khi đi trên đường gồ ghề, không thể trụ bằng một chân đau khi đứng hay nhảy, cơ tứ đầu đùi thường teo nhanh.
+ Các nghiệm pháp phát hiện và chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước:
Ngay tại hiện trường cũng có thể đánh giá được có tổn thương dây chằng chéo trước, cần phải khám theo trình tự nhìn sờ đo vận động như các chấn thương cơ xương khớp khác. Có thể thấy bầm tím quanh gối, gối sưng to mất các chỗ lõm bình thường, chạm xương bánh chè dương tính do tràn dịch.
Các nghiệm pháp khám dây chằng chéo trước dựa trên cơ sở sự xoay và trượt của mâm chày trên lồi cầu tăng lên bất thường khi dây chằng chéo trước bị tổn thương. Có thể tóm tắt đánh giá tổn thương dây chằng chéo trước bằng các biện pháp sau:
– Nghiệm pháp Lachman: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước, có thể thực hiện cả giai đoạn cấp lúc gối đang sưng đau. Nghiệm pháp này có độ nhạy đến 87–98% . Cách khám như sau: bệnh nhân nằm, thả lỏng chân, gối gập 20-30 độ, người khám cố định đùi bệnh nhân bằng tay hoặc giữ giữa một tay và gối của mình, tay kia nắm và di chuyển mâm chày ra trước. Nghiệm pháp dương tính khi nhìn thấy và cảm giác được mâm chày di chuyển ra trước nhiều hơn bình thường. Kết quả: độ 1 (1+) khi mâm chày di chuyển ra trước 3 – 5mm, độ 2 (2+): 6 – 10mm, độ 3 (3+): trên 10mm.
– Nghiệm pháp ngăn kéo trước: ít nhạy hơn Lachman. Các làm cũng như trên nhưng gối gập 90 độ. Đánh giá kết quả tương tự.
– Các nghiệm pháp phát hiện dấu bán trật- xoay bao gồm: nghiệm pháp gập xoay (flexion-rotation-drawer test), pivot shift, MacIntosh, và Losee test (Silbey and Fu). Nghiệm pháp dương tính khi mâm chày ngoài sẽ bị bán trật và xoay trong so với lồi cầu ngoài tại vị trí gối gập 30-40 độ khi chuyển từ gấp sang duỗi hoặc ngược lại.
– Chụp X-quang: X-quang thẳng – nghiêng cho thấy các thương tổn khác như gãy xương, dị vật, u bướu…Trước đây khi chưa có MRI thì chụp X quang gối có cản quang bơm vào khớp gối để có thể phát hiện những thương tổn phần mềm của khớp nhưng hiện nay không còn sử dụng.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, nó rất có ý nghĩa trong chẩn đoán tổn thương phần mềm của khớp gối. MRI giúp đánh giá sự liên tục của dây chằng và các tổn thương khác kèm theo như rách sụn chêm, thương tổn sụn khớp, dây chằng bên, dây chằng chéo sau. MRI còn cho thấy phù tủy xương trong 80% các trường hợp. Đối với chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước, cộng hưởng từ có độ nhạy từ 98% đến 99%, độ đặc hiệu 96,7%, độ chính xác 97% [63].
– Dụng cụ đo độ di lệch giữa mâm chày: Dụng cụ này được Daniel và cộng sự nghiên cứu sản xuất năm 1982, đây là dụng cụ cho ta biết chính xác độ dãn và mức độ thương tổn dây chằng chéo trước một cách khách quan, cả trước mổ và sau mổ. Khi có chênh lệch giữa bên bệnh và bên lành lớn hơn 5mm thì khẳng định dây chằng chéo đã bị đứt. Những loại máy hiện hành là KT 1000, KT 2000, CA 4000.
+ Các nghiệm pháp chẩn đoán tổn thương sụn chêm kèm theo:
– Nghiệm pháp Mc Murray, nghiệm pháp Appley
– Nghiệm pháp Thessaly
Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng