Phòng Khám Cơ Xương Khớp Sports Medic

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU MỔ DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU MỔ DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

Tác giả: Admin01/05/2024

Tập phục hồi chức năng sau mổ dây chằng chéo trước quyết định 40% thành công của ca mổ. Đừng chủ quan với việc tập luyện sau mổ dây chằng chéo trước một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay của bệnh nhân sau mổ. Bài viết này chúng tôi xin chia sẻ các bài tập phục hồi chức năng sau mổ dây chằng chéo trước.

 

DÙ TẬP VỚI PHƯƠNG PHÁP NÀO CŨNG CẦN TUÂN THỦ CÁC NGUYÊN TẮC SAU

– Đầu tiên phải đạt tầm độ khớp bình thường và chống sưng, viêm trước mổ để tránh tình trạng xơ dính khớp sau mổ

– Sử dụng đúng nẹp bảo vệ và nẹp chức năng

– Liệu pháp lạnh

– Tập đi chống chân chịu lực và đạt tầm độ khớp sớm, đặc biệt sớm duỗi gối tối đa, các bài tập thụ động, chủ động có hỗ trợ và chủ động cho khớp.

– Tập sớm cơ tứ đầu đùi và cơ đùi sau, đồng thời tập các bài tập đẳng trường, đẳng trương và chuỗi đóng, chuỗi mở…

– Cố gắng kiểm soát sưng và đau để tránh cơ rơi vào tình trạng bị ức chế và teo cơ

– Áp dụng hợp lý bài tập chuỗi vận động mở – chuỗi vận động kín và nên tránh tập sớm chuỗi vận động mở vì có nguy cơ sẽ tạo lực xé rách dây chằng chéo trước còn yếu trong quá trình trưởng thành.

– Hoàn thiện tập kéo dãn, mạnh cơ và duy trì toàn bộ các cơ chi dưới

– Tập dáng đi sớm

– Tập các bài tập thăng bằng và phản xạ tự thân

– Tập bài tập chức năng, kỹ năng thể thao

– Tập luyện sức chịu đựng về tim mạch

 

CHƯƠNG TRÌNH TẬP TĂNG TỐC SO VỚI TẬP TRUYỀN THỐNG

Có nhiều nghiên cứu tiền cứu về tính an toàn và hiệu quả của các chương trình tập cho mảnh ghép gân bánh chè, đặc biệt xu hướng gần đây áp dụng các bài tập “tăng tôc” để trở lại chơi thể thao vào tháng thứ 4 sau mổ so với tháng thứ 7-8 theo chương trình tập bình thường .

Đối với mảnh ghép gân chân ngỗng, mặc dù nhiều lợi điểm, người ta vẫn đặt dấu hỏi về độ vững chắc của phương tiện cố định, khả năng dãn mảnh ghép và độ an toàn khi áp dụng chế độ tập tăng tốc. D’Amato và Bach gần đây đưa ra bài tập chung cho cả hai loại mảnh ghép dựa trên các phát triển về các dụng cụ cố định khiến mảnh ghép hamstring dần dần đạt đến độ cố định vững chắc như gân bánh chè.

Tyler chứng minh độ an toàn khi áp dụng chương trình tập tăng tốc trên mảnh ghép gân hamstring với sự trở lại thể thao vào tháng thứ 4 sau mổ [80]. Kết quả tương đương các nghiên cứu trên gân bánh chè và không thay đổi sau 2 năm. Shaw T (2002)  chứng minh chương trình tập tăng tốc (4 – 6 tháng) có hiệu quả phục hồi sớm tầm độ khớp chức năng, sức cơ, sớm trở lại thể thao so với chương trình truyền thống mà vẫn an toàn về độ vững khớp và mặt ảnh hưởng trên mảnh ghép

HẠN CHẾ TẦM ĐỘ VẬN ĐỘNG KHỚP (ĐƠ KHỚP) SAU MỔ

Đơ khớp là biến chứng thường gặp của tái tạo dây chằng chéo trước, tần suất từ 5- 35% [51].  Có nhiều định nghĩa về đơ khớp gối, Harner (1992) coi gối đơ hay hạn chế tầm vận động khi mất từ 100 duỗi hay gâp dưới 1250, Noyes (1992) xác định đơ khớp gối khi tầm độ khớp không đạt được 0 – 1350. (11) Shelbourne và cộng sự (1996) đưa ra định nghĩa xơ dính khớp khi gối mất 100 duỗi hoặc 250 gập so với gối bên lành và đưa ra bảng phân loại cụ thể.

MÁY TẬP VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG KHỚP LIÊN TỤC

Hiệu quả của máy tập tầm độ khớp thụ động liên tục (CPM) vẫn còn bàn cãi. Trước đây máy được sử dụng để cải thiện nuôi dưỡng sụn khớp và tránh đơ khớp sau bất động sau mổ.

Tuy nhiên, gần đây với sự phát triển các kỹ thuật mổ giúp áp dụng được các chương trình tập tăng tốc cũng như tập sớm tầm độ khớp và chống chân thì hiệu quả của máy CPM đang được xem lại.

Richmond (1991) so sánh độ sưng đau, tầm độ khớp, độ teo cơ và độ lỏng ra trước của hai nhóm sử dụng CPM kéo dài và nhóm dùng ngắn hạn, cho thấy kết quả dùng máy CPM kéo dài tăng thêm chi phí mà không có khác biệt về kết quả, tuy nhiên không làm tăng độ lỏng gối

VẤN ĐỀ CHỐNG CHÂN CHỊU LỰC SAU MỔ

Việc chống chân những ngày đầu sau mổ phụ thuộc vào mức độ sưng đau của người bệnh, sau đó phụ thuộc vào mức độ chịu lực theo lý thuyết và thực nghiệm của mảnh ghép và các phương tiện cố định mảnh ghép.

Tyler (1998) Nghiên cứu hai nhóm, nhóm chống chân sớm tùy mức độ đau, nhóm không chống chân cho đến 2 tuần sau mổ. So sánh kết quả đau trước gối, cơ rộng trong, chỉ số Lysholm, độ lỏng gối, tầm độ khớp.

Kết quả nhóm chống chân sớm không ảnh hưởng đến độ vững của khớp hay tầm độ khớp, ngược lại chỉ số Lysholm cải thiện tốt hơn và đau trước gối giảm, có thể do hoạt động của cơ rộng trong mau phục hồi hơn [80]. Kết quả tương tự với Beynnon, chống chân sớm cho thấy giảm tỉ lệ đau trước gối

Shaw T (2002) tổng kết các nghiên cứu mù đôi có đối chứng, kết luận chống chân chịu lực sớm ngay sau mổ giúp nuôi dưỡng sụn khớp, mau tái tạo mô collagen, mau lành xương và khớp mau phục hồi sinh lý chịu lực bình thường [74].

SỬ DỤNG NẸP CHỨC NĂNG KÉO DÀI SAU MỔ

Khác với nẹp bảo vệ, thường mang 2 đến 4 tuần sau mổ, tương đối cồng kềnh và có chiều dài hết chi dưới, có bản lề hoặc không, các loại nẹp chức năng sau mổ được thiết kế đặc biệt nhỏ gọn hơn, có bản lề giúp gối vẫn gấp duỗi được nhưng đồng thời bảo vệ gối không vẹo trong và vẹo ngoài quá mức.

Một vài nghiên cứu cho kết quả tốt khi sử dụng nẹp năng sau mổ, làm giảm nguy cơ tái chấn thương, giảm đau, cải thiện độ duỗi gối. Tuy nhiên, đa số nghiên cứu không phải mù đôi, thiếu nhóm chứng và mang tính chủ quan thiên vị nên độ tin cậy không cao.

Quan trọng là không có nghiên cứu nào cho thấy không mang nẹp chức năng sau mổ sẽ tăng mức độ đau, lỏng gối, dễ chấn thương lại hay dự hậu xấu hơn

Risberg thấy không có sự khác biệt về chức năng, đau, độ lỏng gối, tầm độ khớp, mức độ hài lòng giữa các bệnh nhân mang nẹp bảo vệ 2 tuần sau mổ và các bệnh nhân mang nẹp chức năng liên tục 5 tháng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước . Thời gian theo dõi hai năm.

TẬP PHẢN XẠ THẦN KINH CƠ VÀ CÁC BÀI TẬP CHỨC NĂNG

Mặc dù ít có bằng chứng về nghiên cứu, đa số tác giả đồng ý tập luyện phản xạ thần kinh cơ là tối quan trọng để phục hồi sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước và giúp ngăn ngừa chấn thương đứt lại dây chằng. Các bài tập nên bắt đầu sớm nhất bằng việc đi chống chân chịu lực, tiếp theo là các bài tập thăng bằng tĩnh, thăng bằng động, các bài tập phối hợp các nhóm cơ, phối hợp các động tác phức tạp… và sau đó là các bài tập kỹ năng thể thao

TẬP TẠI NHÀ VÀ TẬP TẠI PHÒNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Có vài nghiên cứu về áp dụng chương trình tự tập tại nhà. Schenck  1997, nghiên cứu trên 35 bệnh nhân, tất cả đều trên 18 tuổi, chia làm hai nhóm. Nhóm tự tập tại nhà với số lần đến tái khám trung bình 2,8 (0- 6 lần), nhóm tập có hướng dẫn có số lần khám 14,2 lần (6- 40).

Đánh giá độ lỏng gối, tầm độ khớp, chỉ số Lysholm, nghiệm pháp nhảy xa một chân, thang đau vào tháng thứ 3 và tháng thứ 12. Kết quả không có sự khác biệt nào giữa hai nhóm về tất cả các chỉ số vào cả hai thời điểm. Không có trường hợp nào phải phẫu thuật lại

Beard và Dodd, đánh giá trên 31 bệnh nhân, áp dụng chương trình theo dõi thông thường trong 6 tuần đầu, bao gồm 4 lần khám cho 2 tuần đầu và 4 lần khám cho 4 tuần tiếp theo. Sau đó nhóm tự tập tại nhà sẽ không đến khám, trong đó nhóm kia tiếp tục khám 2 lần mỗi tuần cho đến 12 tuần. Kết quả phục hồi cũng như khám lâm sàng sau 3 tháng và 6 tháng đều như nhau

Grant (2005)  theo dõi 145 bệnh nhân, nhóm tự tập tại nhà với số lần khám là 4, nhóm có hướng dẫn với số lần khám là 17 trong 3 tháng đầu sau mổ. Kết quả nhóm tự tập tại nhà có tầm độ gập duỗi khớp tốt hơn. Không có khác biệt nào về độ vững gối và các chỉ số chức năng.

KÍCH THÍCH ĐIỆN

Một số tác giả trước đây áp dụng kích thích điện ngoài da cho các trường hợp bó bột sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước, thời gian trung bình 5 lần mỗi tuần, trong 4-6 tuần liên tục, theo dõi đánh giá bằng đo khối cơ trên chụp cắt lớp, đo sức cơ bằng máy, sinh thiết cơ, có nhóm chứng. Kết quả nhóm có kích thích điện cơ tứ đầu và cơ hamstring ít teo hơn, sức cơ tăng. Trong nhóm chứng cơ loại I giảm đáng kể

Fitzgerald (2003) báo cáo kết quả về sức cơ tứ đầu, trở lại sinh hoạt, khả năng tập và đau trước gối trên 48 bệnh nhân chia làm hai nhóm có kích thích điện và không có. Kết quả sau 12 tuần, nhóm có kích điện sức cơ tứ đầu tăng hơn và trở lại sinh hoạt sớm hơn, các chỉ số khác không khác biệt. Tác giả sử dụng dòng điện tần số cao 2500Hz, 30 lần trên giây, 2 lần mỗi tuần trong 12 tuần.

TẬP PHÁT TRIỂN CƠ BẮP VÀ KỸ NĂNG THỂ THAO

Giai đoạn từ tháng thứ 4 trở đi, khi mảnh ghép đã có “độ vững sinh học” do mô ghép bắt đầu có mạch máu nuôi và kết nối với mô chung quanh, cho phép thực hiện các bài tập mạnh để phát triển độ lớn và sức chịu đựng cơ bắp. Ít có nghiên cứu về giai đoạn tập luyện này. Chương trình giai đoạn này bao gồm:

Tăng sức bền tim mạch – hô hấp, tăng mức tiêu thụ oxy

Phát triển cơ bắp, bao gồm cả cơ nhanh và cơ chậm

Tập phối hợp động tác, các kỹ năng chuyên biệt trong từng môn thể thao

Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài này. Chúc bạn sớm bình phục !

Day chang cheo truoc khop goi

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng