Phòng Khám Cơ Xương Khớp Sports Medic

Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Tác giả: Admin15/03/2024

Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường xuất hiện sớm hơn, tiến triển nhanh hơn trên những người lao động nặng, do đó tỷ lệ thoái hóa khớp chiếm phần nhiều ở vùng nông thôn. Trong thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng vận động. Thoái hóa khớp được chỉ định phẫu thuật trong trường hợp nào? Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ như thế nào ? Cùng theo dõi nhé!

Tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ như thế nào ? Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh theo từng giai đoạn. Giai đoạn sớm điều trị nội khoa kết hợp phục hồi chức năng, giảm cân, nội soi làm sạch khớp, đục xương sửa trục xương chày. Giai đoạn muộn bệnh nhân biến dạng chi nhiều, co rút khớp, lệch trục cơ học, trên XQ có hình ảnh hẹp khe khớp nhiều, biến dạng khớp, khuyết xương thì có chỉ định thay khớp gối.

 

 MỤC TIÊU TẬP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG KHỚP GỐI SAU MỔ 

  •  Giảm đau

Mục tiêu mà chúng ta đạt được qua các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật chính là giảm đau. Sau khi phẫu thuật và hết thuốc tê, bệnh nhân vẫn sẽ cảm thấy đau ở phần khớp gối vừa thay.

Chính vì vậy, những phương pháp phục hồi chức năng như tập di động xương bánh chè nhẹ nhàng, hay chườm nhiệt sẽ giúp cơ bớt co cứng, mạch máu lưu thông và giảm đau cho bệnh nhân.

  •  Kích thích mau liền xương

Những bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ cũng sẽ kích thích xương mau liền lại, hoàn thiện cấu trúc xương cũng như tránh bị lỏng phần khớp gối nhân tạo mới được lắp.

  •  Phục hồi chức năng khớp gối

Sau một thời gian dài không vận động thì những phần cơ bắp, dây chằng phần khớp gối sẽ bị tê liệt và gần như mất đi chức năng vốn có của nó.

Chính vì vậy, những bài tập phục hồi nhẹ nhàng như tập ngồi, đi lại với sự giúp đỡ của nạng sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi chức năng khớp gối.

CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

– Thoái hóa khớp gối độ 3, 4

– Không đáp ứng điều trị nội khoa

– Biến dạng khớp gối nặng, ảnh hưởng đến đi lại sinh hoạt

– Chấn thương khớp gối nặng

*Giai đoạn I : 1 đến 2 tuần sau mổ

Mục đích:

– Kiểm soát phù nề, giảm đau.

– Duy trì duỗi gối 0o và gấp 100o .

– Duy trì sức mạnh của cơ.

– Di chuyển được với dụng cụ trợ giúp: Nạng, gậy, khung tập đi.

– Duy trì bài tập tại nhà.

Ngày 1 sau phẫu thuật tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ như thế nào ?

– Chườm lạnh khớp gối 15 phút/ lần, ít nhất 3 lần một ngày. Nếu thấy cần thiết có thể chườm nhiều hơn.

– Các bài tập trên giường: Tập co cơ tĩnh, bệnh nhân nằm với chân duỗi thẳng, co cơ tĩnh chân phẫu thuật, co 5 giây nghỉ 5 giây, tập 10 lần / ngày.

– Các bài tập khác: tập vận động khớp cổ chân, tập trượt gót chân.

– Tập ngồi dậy, tập thay đổi vị trí trên giường.

– Vận động chủ động khớp gối : 0o đến 70º .

– Có thể sử dụng máy tập CPM : 0º đến 100º , ít nhất 4 giờ/ ngày.

Ngày thứ 2 sau phẫu thuật:

– Tiếp tục các bài tập ở trên.

– Bài tập độc lập trên giường 5 lần// ngày.

– Tập vận động khớp cổ chân.

– Tập gập duỗi dạng khép háng chủ động hoặc chủ động có trợ giúp.

– Tập ngồi trên ghế 30 phút, 2 lần / ngày.

– Tập di chuyển vào buồng tắm, nhà vệ sinh với người trợ giúp.

– Vận động chủ động khớp gối : 10º đến 80º

Ngày thứ 3 tới 2 tuần sau phẫu thuật:

– Tiếp tục các bài tập ở trên.

– Tập các bài tập khớp gối: Tập duỗi khớp gối hoàn toàn, mỗi ngày tập gấp chủ động khớp gối thêm 10º đến ngày thứ 5 tầm vận động khớp gối đạt 100º

– Tập mạnh sức cơ đùi, sức cơ cẳng chân bằng các bài tập có sức cản.

– Tập đứng chịu lực lên 2 chân, đứng chịu lực lên từng chân, khi bệnh nhân chịu được trọng lực thì tập thăng bằng khi đứng. Tập dồn trọng lượng lên chân phẫu thuật.

– Ở tư thế đứng: tập các bài tập gấp duỗi dạng khép khớp háng chân phẫu thuật.

– Tập di chuyển với nạng, khung tập đi.

*Giai đoạn II : Từ 2 đến 5 tuần sau phẫu thuật

Mục đích:

– Giảm đau, giảm phù nề.

– Gia tăng tầm vận động của khớp từ 0o đến 115º .

– Tăng cường sức mạnh của cơ.

– Trở lại hoạt động chức năng hàng ngày.

– Bắt đầu tham gia chương trình tập tại nhà.

Phương pháp: Duy trì các bài tập ở giai đoạn I .

– Tập gấp duỗi khớp gối bằng các bài tập thụ động, chủ động có trợ giúp.

– Mỗi tuần tập gấp gối thêm 5º đến 5 tuần tầm vận động khớp gối đạt 0 đến 115º .

– Bài tập kéo giãn thụ động khớp gối do KTV thực hiện.

– Tăng cường sức mạnh cơ: tập vận động khớp gối chủ động có sức cản tăng dần.

– Đến tuần thứ 3 bắt đầu các bài tập xuống tấn.

– Tập di chuyển trên đệm, bước qua chướng ngại vật ít nguy hiểm có sử dụng nạng trợ giúp.

– Hoạt động trị liệu sau phẫu thuật: tập luyện cách di chuyển tại giường, sử dụng hố xí bệt, nhà tắm, đi giày dép.

– Tập đạp xe đạp 15 phút/ lần, 2 lần / ngày.

*Giai đoạn III: Sau phẫu thuật từ 6 đến 8 tuần:

Mục đích :

– Tiếp tục cải thiện tầm vận động khớp từ 0 đến 115º – 120º.

– Gia tăng sức mạnh cơ.

– Tập thăng bằng không cần trợ giúp.

– Trở lại các hoạt động hàng ngày.

Phương pháp:

– Duy trì các bài tập ở giai đoạn 2

– Tiếp tục tập vận động gấp duỗi khớp gối

– Tập tăng cường sức mạnh cơ

– Tập đứng chiụ lực hoàn toàn trên chân phẫu thuật

– Bỏ dụng cụ trợ giúp

– Tập đi bộ , lên xuống cầu thang

– Tập đạp xe đạp

– Tập chạy nhẹ, trở lại các hoạt động thể thao.

* Các lưu ý sau phẫu thuật thay khớp gối 

– Không đứng quá lâu, không gập gối quá mức.

– Không lấy chân phẫu thuật làm chân trụ.

– Ghế ngồi đủ cao đảm bảo gối gấp 90º , có tay vịn.

– Nền nhà tắm tránh ẩm ướt, sử dụng thảm chống trượt.

– Các môn thể thao cho phép: Đi bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ, đánh golf.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐỂ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG KHỚP GỐI SAU MỔ

Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật cũng là một yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình phục hồi cũng như sức khỏe bệnh nhân. Khương Thảo Đan có một số lưu ý nhỏ sau dành cho các bạn.

  • Sau khi phẫu thuật, hệ tiêu hóa của người bệnh rất yếu. Thay vì ăn những thức ăn khó tiêu thì người bệnh nên ăn những đồ ăn dạng lỏng để dễ dàng tiêu hóa hơn như canh, cháo…
  • Nên sử dụng những thực phẩm bổ sung canxi trong khẩu phần ăn hằng ngày của người bệnh. Một thực phẩm bổ sung lượng canxi dồi dào cho cơ thể con người chính là sữa. Bệnh nhân nên uống khoảng 0,5 lít sữa mỗi ngày để quá trình hồi phục tốt hơn.
  • Ngoài ra, bệnh nhân sau khi phẫu thuật cũng nên ăn nhiều hoa quả và các loại rau xanh. Đây là nguồn cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết khác cho quá trình phục hồi của cơ thể. Những loại hoa quả này có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường sức đề kháng, cung cấp nước cho cơ thể và giúp người bệnh tiêu hóa tốt hơn.

Để việc hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng có hiệu quả cao và không mất nhiều thời gian người bệnh cần thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, cũng như cần kiên trì tập luyện, tránh tập và vận động quá sức, không đứng quá lâu, không gập gối quá mức, không lấy chân phẫu thuật làm chân trụ,…

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng