Mổ tái tạo dây chằng chéo trước đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Mục tiêu của tái tạo dây chằng chéo trước nhằm phục hồi tối đa chức năng khớp gối. Có nhiều kỹ thuật tái tạo chằng chéo trước được mô tả, tuy nhiên chưa có một kỹ thuật nào là chiếm ưu thế tuyệt đối. Bài viết này nhằm cung cấp sơ lược một số thông tin về các phương pháp mổ tái tạo dây chằng chéo trước và chế độ tập luyện sau mổ bệnh nhân cần lưu ý.
Mục lục bài viết
CÁC PHƯƠNG PHÁP MỔ TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC HIỆN NAY
1. Mổ tái tạo dây chằng chéo trước theo kỹ thuật tạo đường hầm
Sự tiến bộ theo thời gian của mổ tái tạo dây chằng chéo trước đã có những thay đổi trong kỹ thuật tạo đường hầm xương đùi và xương chày. Có ba kỹ thuật cơ bản để tạo đường hầm theo trình tự thời gian được mô tả:
- Tạo đường hầm xương đùi từ ngoài vào (outside- in) hay còn gọi kỹ thuật hai đường rạch da (two- incision technique)
- Tạo đường hầm xương đùi từ trong ra (inside- out)
- Tạo đường hầm tất cả từ bên trong (all inside)
Cả hai phương pháp trên khi tạo đường hầm xương chầy đều phải khoan từ ngoài. Kỹ thuật all inside là kỹ thuật mới được mô tả gần đây, tạo hai đường hầm xương đùi và xương chầy đều từ trong ra. Các kĩ thuật trong mổ tái tạo dây chằng chéo trước như sau:
– Kỹ thuật tạo đường hầm outside- in.
– Kỹ thuật tạo đường hầm “trong ra” (inside out) hay còn gọi là phương pháp “một đường rạch da”( single incision technique).
– Kỹ thuật all inside.
2. Mổ tái tạo dây chằng chéo trước theo phục hồi giải phẫu của dây chằng
2.1. Phương pháp tái tạo dây chằng chéo trước bằng kỹ thuật một bó
Đây là kỹ thuật kinh điển và phổ biến nhất hiện nay. Việc tái tạo dây chằng chéo trước bằng cách tạo một đường hầm ở xương đùi và một đường hầm ở xương chày và luồn mảnh ghép vào đường hầm.
2.2. Phương pháp tái tạo dây chằng chéo trước bằng kỹ thuật hai bó
Nguyên lý của kỹ thuật tái tạo dây chằng 2 bó là nguyên lý giải phẫu (anatomy) dựa trên cơ sở cấu trúc giải phẫu của dây chằng chéo trước.
Kỹ thuật mổ tái tạo dây chằng chéo trước hai bó theo giải phẫu sẽ tái tạo bó trước trong (AM) và bó sau ngoài (PL) đúng vị trí giải phẫu của từng bó.
3. Mổ tái tạo dây chằng chéo trước theo cách thức cố định mảnh ghép
3.1 Kỹ thuật cố định mảnh ghép không dùng phương tiện cố định
Ưu điểm mổ tái tạo dây chằng chéo trước vày là: Nút thắt gần với vị trí giải phẫu diện bám dây chằng chéo trước nên tránh được hiện tượng “ Bungee effect”, cố định bằng cách nén chặt trong đường hầm ngăn không cho dịch khớp vào đường hầm, tránh sự di chuyển của mảnh ghép trong đường hầm, sự tiếp xúc chặt chẽ với thành xương trong đường hầm mà không có mặt các sợi chỉ khâu giúp quá trình đồng hóa nhanh, và do không dùng các phương tiện cố định nên tránh được các trục trặc do sử dụng phương tiện cố định, giảm giá thành phẫu thuật.
Tuy nhiên kỹ thuật này không được phổ biến rộng rãi do kỹ thuật phức tạp, thêm đường mổ mặt ngoài đùi.
3.2. Các phương tiện cố định mảnh ghép
3.2.1. Cố định mảnh ghép xương với xương trong đường hầm:
Điển hình là mảnh ghép gân bánh chè với hai nút xương hai đầu, mảnh ghép gân gót với một nút xương. Phương tiện cố định chủ yếu là vít chèn ( interference screw) được bắt song song với mảnh ghép trong đường hầm.
3.2.2. Cố định mảnh ghép gân trong đường hầm:
Phương tiện cố định mảnh ghép gân trong đường hầm được nghiên cứu rất nhiều và đã tạo ra nhiều các phương thức cố định khác nhau.
4. Mổ tái tạo dây chằng chéo trước theo các nguồn gân ghép sử dụng tái tạo DCCT
Các vật liệu hay là mảnh ghép sử dụng trong tái tạo dây chằng chéo trước được nghiên cứu, áp dụng trong suốt chiều dài lịch sử, được chia thành ba nhóm: vật liệu tự thân (của chính bệnh nhân), vật liệu đồng loại (của người cho) và vật liệu tổng hợp.
SAU MỔ TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC CẦN CHẾ ĐỘ TẬP LUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?
Sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước cũng như sau các cuộc mổ chỉnh hình khác, người bệnh cần phải trải qua giai đoạn quan trọng là tập luyện. Tùy theo tính chất tổn thương của dây chằng, tùy theo kỹ thuật mổ và chất liệu mảnh ghép được sử dụng mà mỗi bệnh nhân sẽ có bài tập sau mổ không giống nhau. Tuy nhiên, qui trình luyện tập đều dựa trên những nguyên tắc chung, qua từng giai đoạn sau đây:
Giai đoạn I: (từ tuần 0 – tuần thứ 2 sau mổ): Mang nẹp bất động gối tư thế duỗi cả khi nằm ngủ; Di động xương bánh chè (lên trên xuống dưới, sang hai bên); Hàng ngày tháo nẹp, tập gấp duỗi gối thụ động, biên độ tăng dần (duỗi hết gối, gấp tối đa có thể đến 90 độ, ngày 3-4 lần)
Mục đích của giai đoạn này: Gối duỗi hết, gấp đến 90 độ; Cơ tứ đầu khỏe; Tập được dáng đi bình thường
Giai đoạn II: (từ tuần thứ 3 – 4): Tiếp tục gấp gối tăng dần, đạt 120 độ ở tuần thứ 4.
Tập cơ tứ đầu và cơ Hamstring (nếu Hamstring còn): Tập gấp, duỗi gối chủ động có sức cản; Đi xe đạp tại chỗ; Đi lại bằng nạng, có thể tỳ hoàn toàn trọng lượng cơ thể trên chân mổ (vẫn đặt nẹp, duỗi thẳng gối khi tỳ chân).
Giai đoạn III: (từ 5 – 6 tuần): tiếp tục tập tăng biên độ gối (tháo nẹp), đến tuần thứ 6 phải gấp hết gối; Tập nhún đùi (xuống tấn) trong giới hạn khớp gối duỗi dần từ 90-40 độ và ngược lại; Tập bước lên xuống cầu thang ít bậc; Tập nâng đùi có bao cát khi gối gấp 90 độ, tăng dần trọng lượng. Tập bơi.
Giai đọan IV: (tuần thứ 7 – 10):
Tiếp tục các bài tập như trên, tăng dần cường độ; Chạy bước nhỏ trên đường phẳng, chạy tới và lùi.
Giai đoạn V: (từ tuần thứ 11 – 20): Tiếp tục tăng cường các bài tập như trên. Tập chạy tăng tốc độ dần, chạy ngang, bước lên xuống cầu thang nhiều bậc, tập đứng tấn lâu hơn.
Giai đoạn VI: (từ tháng thứ 5 – 6):
Bắt đầu chơi các môn thể thao nhẹ. Sau 6 tháng, có thể trở lại chơi thể thao bình thường khi: Biên độ gối phải đạt được > 130 độ; Cơ Hamstring (nếu còn) đạt sức khỏe > 90% bình thường; Cơ tứ đầu phải đạt được sức khỏe > 85% bình thường; Các môn thể thao định chơi là những môn đã được huấn luyện thành thạo trước đó; Duy trì được 2 – 3 lần chơi trong một tuần.
Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. DũngTuy nhiên bạn cần lưu ý: Quá trình luyện tập phải được BS phẫu thuật giám sát, đánh giá và theo dõi qua những lần tái khám theo hẹn. Nếu có gì bất thường, người bệnh nên đến khám ngay.