Triệu chứng đứt dây chằng chéo trước bạn có thể tham khảo qua. Tuy nhiên đây là bài viết mang tính chia sẽ. Lời khuyên của Bác Sĩ nên đến các phòng khám chuyên khoa để xem bạn có bị đứt dây chằng chéo trước hay không ?
Cần phân biệt hai giai đoạn dưới đây, rất nhiều người nhầm lẫn, không phân biệt được hai giai đoạn này
Mục lục bài viết
1. ĐỨT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC CẤP TÍNH:
Trong thể thao, đứt dây chằng chéo trước xảy ra khi có lực tác động bất thường vào gối làm dây chằng căng quá mức dẫn đến đứt rách, ví dụ té ngã, va chạm, chơi xấu, mất trụ..
Khoảng 40% bệnh nhân có nghe được tiếng kêu ‘rắc’ ngay khi chấn thương và rất đau. Những trường hợp này đa số phải khiêng cáng ra khỏi sân. Thường vận động viên sẽ không thể tiếp tục thi đấu và gối sẽ sưng to do tràn máu sau vài giờ trong 70% trường hợp.
Những chấn thương nhẹ hơn ví dụ rách sụn chêm, hay rách đứt các dây chằng bên ngoài gối sẽ rất hiếm khi có tràn máu khớp gối gây sưng to khớp gối. Điều này cũng có nghĩa là khi một chấn thương mà không gây sưng gối (từ vừa đến rất nhiều) thì có thể nghi ngờ không bị đứt dây chằng
Lưu ý phải có chấn thương đủ mạnh thì dây chằng mới có thể bị đứt.
Xem thêm Những cơ chế chấn thương dẫn đến đứt dây chằng chéo trước:
https://sportsmedic.vn/nhung-truong-hop-dan-den-dut-day-chang-cheo-truoc
Vì vậy, dấu hiệu đứt dây chằng chéo trước phải được nghĩ đến khi hội đủ các yếu tố sau: Có chấn thương đủ mạnh, gối sưng to sau chấn thương, không tiếp tục chạy nhảy được nữa.
2. TRƯỜNG HỢP GỐI LỎNG MÃN TÍNH DO ĐỨT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC ĐÃ LÂU:
Giai đoạn này thì những dấu hiệu trên không còn nữa, bệnh nhân cũng ít đau, thay vào đó là các dấu hiệu lỏng gối: lỏng lẻo khi chạy nhảy, chân có cảm giác bán trật ra ngoài khi đi trên đường gồ ghề, không thể trụ bằng một chân đau khi đứng hay nhảy, cơ tứ đầu đùi thường teo nhanh.
Có nghĩa là trong giai đoạn mãn tính này, biểu hiện chủ yếu của đứt dây chằng chéo trước là lỏng gối, teo cơ đùi trước và đau do thoái hoá khớp.
3. CÁC TEST (NGHIỆM PHÁP) PHÁT HIỆN VÀ CHẨN ĐOÁN TỔN THƯƠNG DỨT DÂY CHẰNG GỐI TRƯỚC :
Ngay tại hiện trường cũng có thể đánh giá được có tổn thương dây chằng chéo trước, cần phải khám theo trình tự nhìn sờ đo vận động như các chấn thương cơ xương khớp khác. Có thể thấy bầm tím quanh gối, gối sưng to mất các chỗ lõm bình thường, chạm xương bánh chè dương tính do tràn dịch.
Các nghiệm pháp khám dây chằng chéo trước gối dựa trên cơ sở sự xoay và trượt của mâm chày trên lồi cầu tăng lên bất thường khi dây chằng chéo trước bị tổn thương. Có thể tóm tắt đánh giá tổn thương dây chằng chéo trước bằng các nghiệm pháp sau:
– Nghiệm pháp Lachman: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tổn thương dây chằng gối, có thể thực hiện cả giai đoạn cấp lúc gối đang sưng đau. Nghiệm pháp này có độ nhạy đến 87 – 98% . Cách khám như sau: bệnh nhân nằm, thả lỏng chân, gối gập 20-30 độ, người khám cố định đùi bệnh nhân bằng tay hoặc giữ giữa một tay và gối của mình, tay kia nắm và di chuyển mâm chày ra trước. Nghiệm pháp dương tính khi nhìn thấy và cảm giác được mâm chày di chuyển ra trước nhiều hơn bình thường. Kết quả: độ 1 (1+) khi mâm chày di chuyển ra trước 3 – 5mm, độ 2 (2+): 6 – 10mm, độ 3 (3+): trên 10mm.
– Nghiệm pháp ngăn kéo trước: ít nhạy hơn Lachman. Cách làm cũng như trên nhưng gối gập 90 độ. Đánh giá kết quả tương tự.
– Các nghiệm pháp phát hiện dấu bán trật – xoay bao gồm: Nghiệm pháp gập xoay (flexion-rotation-drawer test), pivot shift, MacIntosh, và Losee test (Silbey and Fu). Nghiệm pháp dương tính khi mâm chày ngoài sẽ bị bán trật và xoay trong so với lồi cầu ngoài tại vị trí gối gập 30-40 độ khi chuyển từ gấp sang duỗi hoặc ngược lại.
– Chụp X-quang: X-Quang thẳng – nghiêng cho thấy các thương tổn khác như gãy xương, dị vật, u bướu…Trước đây khi chưa có MRI thì chụp X quang gối có cản quang bơm vào khớp gối để có thể phát hiện những thương tổn phần mềm của khớp nhưng hiện nay không còn sử dụng.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, nó rất có ý nghĩa trong chẩn đoán tổn thương phần mềm của khớp gối. MRI giúp đánh giá sự liên tục của dây chằng và các tổn thương khác kèm theo như rách sụn chêm, thương tổn sụn khớp, dây chằng bên, dây chằng chéo sau. MRI còn cho thấy phù tủy xương trong 80% các trường hợp. Đối với chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước khớp gối, cộng hưởng từ có độ nhạy từ 98% đến 99%, độ đặc hiệu 96,7%, độ chính xác 97%.
– Dụng cụ đo độ di lệch giữa mâm chày: Dụng cụ này được Daniel và cộng sự nghiên cứu sản xuất năm 1982, đây là dụng cụ cho ta biết chính xác độ dãn và mức độ thương tổn dây chằng chéo trước khớp gối một cách khách quan, cả trước mổ và sau mổ. Khi có chênh lệch giữa bên bệnh và bên lành lớn hơn 5mm thì khẳng định dây chằng chéo đã bị đứt. Những loại máy hiện hành là KT 1000, KT 2000, CA 4000.
+ Các nghiệm pháp chẩn đoán tổn thương sụn chêm kèm theo:
- Nghiệm pháp Mc Murray, nghiệm pháp Appley
- Nghiệm pháp Thessaly
MỘT CÂU HỎI ĐƯỢC RẤT NHIỀU BẠN QUAN TÂM
” ĐỨT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC CÓ CẦN MỔ GẤP HAY KHÔNG ?
Một số bài bạn cần tham khảo thêm về liên quan đến dấu hiệu dây chằng chéo đầu gối :
>> Phẫu thuật dây chằng chéo trước hết bao nhiêu tiền ?
>> Cảnh báo nghiêm trọng trong việc mổ dây chằng chéo trước
Bài viết được kiểm chứng tính khoa học về dây chằng khớp gối – được trích từ luận văn Bác Sĩ. Trương Công Dũng. Mọi sao chép cần được sự đồng ý của Bác Sĩ Trương Công Dũng.
Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng