Đứt dây chằng chéo trước có nên mổ không ? Cách xử trí sau khi bị thương tổn DCCT và hướng điều trị như thế nào ? Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ kiến thức hữu ích cho các bệnh nhân. Cùng theo dõi nhé!
Mục lục bài viết
LÀM SAO ĐỂ BIẾT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC BỊ THƯƠNG TỔN?
DCCT bị đứt sẽ gây đau đột ngột và làm mất vững khớp gối. Nhiều bệnh nhân ghi nhận nghe thấy hay cảm giác có tiếng “pop” ngay khi khớp gối bị chấn thương. Khớp gối sẽ sưng nề nhanh chóng từ 1-3 giờ sau chấn thương. Nếu DCCT bị thương tổn mạn tính, dấu hiệu hay gặp nhất chỉ là mất vững khớp gối khi vận động. Qua thăm khám, hầu hết các thương tổn DCCT đều được phát hiện. Nếu bệnh nhân mới bị chấn thương thì rất khó khám do khớp gối sưng nề nhiều và bệnh nhân sợ đau khi co duỗi gối.
CHỤP PHIM X-QUANG GỐI HAY CHỤP PHIM CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI)
Chụp phim X-quang khớp gối thường được yêu cầu đầu tiên để đánh giá các gãy xương hay viêm thoái hóa khớp gối. Chụp phim cộng hưởng từ (MRI) có thể được yêu cầu để đánh giá thương tổn DCCT và các thương tổn kèm theo như: dây chằng bên trong, dây chằng chéo sau, sụn chêm, sụn khớp.
CÁC THƯƠNG TỔN PHỐI HỢP TRONG ĐỨT DCCT
Những dây chằng khác của khớp gối có thể thương tổn cùng lúc với DCCT, thường gặp nhất là thương tổn dây chằng bên trong khớp gối, là dây chằng nằm mặt trong khớp gối giúp giữ gối không dạng ra ngoài. Ngoài ra dây chằng chéo sau cũng hay bị thương tổn kèm theo, tốt nhất là cả hai dây chằng chéo trước và chéo sau đều được tái tạo cùng lúc.
Trong nhiều trường hợp còn có thương tổn sụn chêm kèm theo. Sụn chêm là những sụn hình bán nguyệt nằm giữa hai mặt khớp xương đùi và xương chày. Rách sụn chêm có thể khâu lại hay lấy bỏ một phần sụn chêm tùy theo vị tri, kích thước và thời gian thương tổn. Một vài trường hợp có thương tổn bề mặt sụn khớp gối kèm theo, thường thương tổn này được phát hiện và được làm sạch trong lúc mổ nội soi.
XỬ TRÍ NGAY SAU KHI BỊ THƯƠNG TỔN DCCT
Sau khi bị chấn thương, bạn nên đến khám ở bệnh viện và chụp phim X-quang khớp gối để loại trừ các gãy xương. Áp dụng nguyên tắc R.I.C.E như sau:
- Rest- Nghĩ ngơi: bạn được khuyên nghỉ ngơi, khớp gối không tỳ xuống đất khi đi lại để giảm sưng nề.
- Ice- Chườm đá: dùng nước đá bọc trong khăn vải hay túi chườm đá đặt lên gối giúp giảm sưng nề và giảm đau.
- Compression- Băng ép: dùng băng thun băng ép toàn bộ khớp gối để hạn chế phù nề.
- Elevation- Nâng cao chi: khi nằm nên kê chân cao hơn ngực để giúp giảm phù nề. Khớp gối sẽ được bất động tư thế duỗi gối bằng nẹp vải trong 3- 4 tuần. Sau khi gối giảm sưng nề bạn nên bắt đầu tập gấp duỗi gối và gồng cơ. Bạn nên tái khám kiểm tra sau 4 tuần
ĐỨT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC CÓ NÊN MỔ? HƯỚNG ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO ?
Đứt DCCT không thể tự lành, nhưng không phải tất cả các trường hợp đứt DCCT đều cần phải phẫu thuật. Quyết định phẫu tùy thuộc vào tuổi, mức độ hoạt động sinh hoạt của bệnh nhân, độ vững của khớp gối và các thương tổn phối hợp trong khớp gối.
Dây chằng chéo trước là dây chằng quan trọng nhất của khớp gối, những bệnh nhân có công việc liên quan đến mang vác nặng hay nâng gối lên xuống nhiều cần phải tái tạo lại dây chằng. Những bệnh nhân không sẵn sàng hay không thể thay đổi thói quen hoạt động và mong muốn duy trì thói quen sinh hoạt như trước đây đều được khuyên phẫu thuật.
Những bệnh nhân ít đi lại nhiều có thể điều trị bằng cách tập vật lý trị liệu và mang nẹp làm vững khớp gối. Tuy nhiên, một số bệnh nhân hay than phiền gặp khó khăn khi lên xuống cầu thang hay khi bước dừng lại. Trong trường hợp này, bệnh nhân cũng được khuyên nên phẫu thuật để duy trì hoạt động sinh hoạt bình thường hằng ngày và để tránh thương tổn thêm khớp gối trong tương lai.
Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng