Trong quá trình khám và điều trị bệnh, đội ngũ Y Bác Sĩ tại Sports Medic thấy đây là một trong những điều băn khoăn nhất mà rất nhiều người hỏi về việc đứt dây chằng chéo trước mà không được nơi nào trả lời thoả đáng. Bên cạnh đó, còn có các câu hỏi tương tự khác như:
- Tôi bị chấn thương, Bác Sĩ bảo tôi bị đứt dây chằng chéo trước sao tôi vẫn đi lại bình thường, như vậy có cần mổ không?
- Tôi bị chấn thương gối nhẹ, đi lại bình thường, sao chụp MRI đọc đứt BÁN PHẦN dây chằng chéo trước và Bác Sĩ kêu phải mổ?
- Sau khi té trượt chân tới giờ, đầu gối tôi rất đau, đi lại khó khăn, vậy tôi có bị đứt dây chằng chéo trước không?
- Tại sao tôi đi khám nhiều nơi, có Bác Sĩ bảo tôi không đứt dây chằng, nhưng có Bác Sĩ lại bảo đứt, phải mổ gấp?
- Để xác đinh đứt dây chằng chéo trước có phải chụp MRI không?
- Đứt dây chằng chéo trước có bắt buộc phải mổ hay không?
Ngoài ra vẫn còn nhiều các câu hỏi khác của các bệnh nhân, nhưng tóm lại là nếu người bệnh muốn xác định được chắc chắn rằng có bị tổn thương đứt dây chằng chéo trước hay không và có cần thiết phải mổ hay không Sports Medic xin được giải đáp như sau:
Mục lục bài viết
Sau khi té trượt chân tới giờ, gối tôi rất đau, đi lại khó, vậy tôi có bị đứt Dây Chằng Chéo Trước không?
BẠN có bị CHẤN THƯƠNG, sau Chấn thương mà gối rất đau, đi lại khó thì có nhiều khả năng bạn đã bị một tổn thương trong gối chứ không hẳn là đứt dây chằng chéo trước. Thí dụ: rách sụn chêm, vỡ sụn khớp bánh chè, dãn dây chằng bên, rách cơ…đều gây đau, thậm chí đau hơn đứt Dây Chằng Chéo Trước.
Đặc điểm của đứt Dây Chằng Chéo Trước là có CHẤN THƯƠNG MẠNH, SƯNG GỐI NGAY SAU CHẤN THƯƠNG, LỎNG GỐI KHI CHẠY NHẢY. Hoàn toàn không có tiêu chuẩn ĐAU hay đi lại KHÓ. Đây cũng là điểm gây nhầm lẫn nhiều nhất về đứt Dây Chằng Chéo Trước mà nhiều người suy nghĩ.
Cuối cùng để KHẲNG ĐỊNH đứt Dây Chằng Chéo Trước hay không, các bạn cần tới một bác sĩ có KINH NGHIỆM, khám kỹ lưỡng (Khám cả chân bên lành để so sánh), biết làm TEST chuẩn đoán, và chụp MRI NẾU CẦN (còn nghi ngờ chưa xác định rõ)
Tôi bị chấn thương, bác sĩ bảo tôi bị đứt Dây Chằng Chéo Trước sao tôi vẫn đi lại bình thường, như vậy có cần mổ không?
Vấn đề thứ nhất:
Đi lại bình thường không có nghĩa Dây Chằng Chéo Trước bình thường, Rất nhiều người nhầm lẫn chỗ này. Đứt Dây Chằng Chéo Trước vẫn đi lại gần như bình thường được, thậm chí chạy nhảy được một phần mà không đau đớn gì. Tuy nhiên, đứt dây chằng chéo trước thì CHẠY, NHẢY mạnh sẽ bị ảnh hưởng, dễ trẹo chân, cảm giác lỏng, không trụ vững…CÓ nghĩa là triệu chứng sẽ biểu hiện rõ khi VẬN ĐỘNG NHANH, MẠNH, thí dụ khó nhảy trụ bằng chân có đứt dây chằng, khó đổi hướng khi đang chạy nhanh, không dám vào bóng…
Tóm lại nếu cảm thấy chân mình còn tốt, hãy thử nhảy xa bằng chân đó và so với chân kia, nếu không nhảy xa bằng hoặc không dám nhảy thì nhiều khả năng bị đứt Dây Chằng Chéo Trước.
Vấn đê thứ hai, có cần mổ hay không?
Không phải đứt dây chằng chéo trước là BẮT BUỘC mổ, tuỳ từng cá nhân, sẽ trả lời trong phần sau.
Tại sao tôi đi khám nhiều nơi, có bác sĩ bảo tôi không đứt dây chằng, nhưng có bác sĩ lại bảo đứt? ĐỂ xác đinh đứt Dây Chằng Chéo Trước có phải chụp MRI không?
Tại sao có bác sĩ bảo đứt, bác sĩ khác lại bảo không đứt. LÝ DO: bác sĩ chủ quan hoặc bác sĩ thiếu kinh nghiệm thường rơi vào hai THÁI CỰC: Bệnh nhẹ thì chuẩn đoán thành bệnh nặng và ra chỉ định mổ QUÁ MỨC, MỔ OAN, Bệnh nặng thì lại BỎ SÓT và điều trị QUÁ SƠ SÀI.
Quy trình chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước như sau:
- HỎI kỹ có bị chấn thương hay không? Có chấn thương mới có đứt Dây Chằng Chéo Trước- KHÔNG CHẤN THƯƠNG- KHÔNG ĐỨT dây chằng (Xem them bài cơ chế chấn thương…). Có sung gối NGAY sau chấn thương không? Có thể nghe tiếng rắc hay không có, mà nghe tiếng rắc cũng có thể RÁCH SỤN CHÊM. Lưu ý đứt Dây Chằng Chéo Trước thì ngay lập tức không thể tiêp tục chạy nhảy hay chơi thể thao được.
- Khám đầu gối và LÀM CÁC NGHIỆM PHÁP DÂY CHẰNG. Nếu bác sĩ nào khám mà không làm test dây chằng thì không thể chuẩn đoán được. Để làm các test này cần có gường nằm, mất khoảng 7-10 p cho một bệnh, và PHẢI KHÁM CHÂN LÀNH ĐỂ SO SÁNH- đây là SAI LẦM thường gặp nhất của các bác sĩ thiếu kinh nghiệm.
- CHỤP MRI. Sau khi khám thì đã kết luận tới 90-95% là có đứt dây chằng chéo trước hay không, không bắt buộc chụp MRI. Lúc này chụp MRI là để CHỨNG MINH kết luận đó bằng HÌNH ẢNH, không dùng MRI để thay thế cho việc khám của bác sĩ. Một số trường hợp chưa xác định rõ ràng, hoặc nghi có them các tổn thương khác như rách sụn…thì BẮT BUỘC chụp MRI để giúp kết luận cuối cùng.
Đứt Dây Chằng Chéo Trước có phải mổ gấp không?
- Đứt Dây Chằng Chéo Trước không phải MỔ GẤP, không cần mổ cấp cứu hay khẩn cấp. Đứt Dây Chằng Chéo Trước có thể mổ sau ngay trong vòng 48g nhưng cũng có thể mổ sau vài tuần,vài tháng, thậm chí hơn 10 năm vẫn mổ được (dĩ nhiên kết quả phục hồi sẽ kém hơn). Điều đó có nghĩa là các bạn có rất nhiều thời gian để tìm hiểu, để đi khám, để cân nhắc… trước khi quyết định mổ.
- Đứt dây chằng làm gối yếu đi một phần nhưng vẫn đi lại sinh hoạt được một mức nào đó nên vẫn đi làm, đi xe máy…được. Tuy nhiên khi bị đứt dây chằng thì việc chơi thể thao, chạy nhay sẽ bị hạn chế, lên xuống cầu thang có khó khăn, gối dễ bị thoái hoá khớp, teo cơ…cho nên không nên để quá lâu.
Tôi bị chấn thương gối nhẹ, đi lại bình thường, sao kết quả chụp MRI đọc đứt Dây Chằng Chéo Trước?
Thứ nhất việc xác định đứt Dây Chằng Chéo Trước không phải dựa hoàn toàn vào MRI, vì MRI có sai số và phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kinh nghiệm người đọc phim.
Chẩn đoán đứt Dây Chằng Chéo Trước phải căn cứ vào KHÁM, tức là làm các Test dây chằng (test ngăn kéo trước, test Lachmann, test bán trật xoay…), dựa vào KINH NGHIỆM và độ nhạy bén của bác sĩ khám.
Những trường hợp rõ ràng thì bác sĩ khám đã xác định chính xác đến 99% đứt Dây Chằng Chéo Trước. MRI giúp bác sĩ khẳng định lại phán đoán của mình và giúp thấy thấy thêm các tổn thương khác như rách sụn chêm, bể sụn khớp…
Thứ hai, hãy đọc kết quả TRÊN PHIM MRI chứ không đọc trong TỜ KẾT QUẢ. Cùng một phim MRI nhưng có khi mỗi nơi sẽ đọc ra kết quả khác nhau, đặc biệt những trường hợp không rõ ràng như đứt bán phần, hay gối bị viêm lâu ngày do gout, do thoái hoá, người già…thì rất khó đọc đúng, cần phải có bác sĩ chuyên về MRI có kinh nghiệm mới kết luận chính xác.
Đứt Dây Chằng Chéo Trước có bắt buộc phải mổ hay không?
Đây là băn khoăn của rất nhiều người. Để trả lời câu hỏi hỏi này, có thể tóm tắt như sau:
- Nếu bạn bị đứt Dây Chằng Chéo Trước mà không mổ và không tập luyện gì hết: gối chỉ còn 30-50% chức năng, có nghĩa đi lại sinh hoạt được gần bình thường, đi làm văn phòng được, đi xe máy được, chính vì vậy những người gìa, lớn tuổi, đang có bệnh nặng, hoặc đang khó khăn về tài chính hoặc không sắp xếp được công việc làm hay gia đình thì có thể trì hoãn việc phẫu thuật. Tuy nhiên theo thời gian, gối sẽ mau chóng bị thoái hoá khớp, teo cơ, dễ bị chấn thương thêm, bạn sẽ khó khăn khi đi nhiều, lên xuống cầu thang, chạy nhảy hay chơi môn thể thao nào đó. Ngoài ra, không ít trường hợp gối rất lỏng lẻo, khó đi lại, đau nhức nhiều… là ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hay sức khoẻ thì cần mổ sớm.
- Nếu bạn bị đứt Dây Chằng Chéo Trước mà không mổ nhưng có tập luyện và chăm sóc (ví dụ có tập vật lý trị liệu, duy trì tập mạnh cơ, tiêm chất nhờn, mang đai nẹp gối, vv…) thì gối đạt được 50-70% chức năng và giảm được nguy cơ chấn thương thêm cũng như giảm thoái hoá khớp theo thời gian. Tuy nhiên cho dù tập đều và chăm sóc gối thường xuyên, bạn cũng bị hạn chế khi chạy nhảy hoặc tham gia thể thao. Việc tập duy trì và chăm sóc gối cũng mất nhiều thời gian và cũng tốn kém.
- Nếu bạn bị đứt Dây Chằng Chéo Trước và được mổ tốt cộng với được chăm sóc theo dõi và tập luyện phục hồi đúng cách: gối đạt 90-95% chức năng, nhiều trường hợp gối phục hồi hoàn toàn, thậm chí tốt hơn cả trước khi chấn thương, điều này có nghĩa là bạn có thể trở lại chạy nhảy vận động, chơi thể thao, thi đấu, thậm chí thi đấu đỉnh cao chuyên nghiệp như trước mà không lo lắng gì. Dĩ nhiên để đạt được điều này bạn cần đến một nơi thật chuyên nghiệp, gặp những chuyên gia chuyên về dây chằng, bỏ ra đúng thời gian, công sức và tiền của. Đó là lúc bạn muốn chạy nhảy chơi thể thao trở lại niềm đam mê của mình, bạn muốn cơ thể lành lặn không bị teo cơ, không bị thoái hoá khớp, bạn không còn phải lo nghĩ mãi về nó…Khi bạn có NHU CẦU thực sự thì hãy đến đúng nơi đúng chỗ, bác sĩ sẽ GIÚP bạn biến nhu cầu đó thành hiện thực.
ĐỨT NHIỀU DÂY CHẰNG có mổ được hay không?
Trước hết đứt nhiều dây chằng gối Là một chấn thương rất nặng, cho nên ngoài đứt dây chằng thì khớp gối có thể có thêm những tổn thương khác mà rất dễ bỏ sót, vì vậy cần phải được khám đi khám lại, chụp phim, chẩn đoán kỹ lưỡng, tốt nhất là đến gặp những chuyên gia chuyên về dây chằng vì họ có nhiều kinh nghiệm và đã gặp nhiều trường hợp tương tự.
Mổ nhiều dây chằng đòi hỏi nhiều công đoạn, nhiều quy trình, thời gian kéo dài, tính toán chính xác…nên dễ thất bại, nhiều biến chứng như: lỏng lại trong số dc được tái tạo, cứng đơ khớp, dính khớp làm hạn chế gập hoặc duỗi gối, chảy máu sau mổ, tràn dịch sau mổ, đau đớn kéo dài sau mổ…Vì vậy cần phải lên một kế hoạch hợp lý mổ một lần hay nhiều lần, cái gì mổ trước caí gì mổ sau, cái gì không cần mổ có thể bảo tồn mà lành được…
Ngoài ra, vì phải cắt nhiều gân để làm nhiều dây chằng nên cần phải có phương án đặc biệt sử dụng gân như thế nào để tiết kiệm nhất, phương pháp mổ nào để bảo đảm dây chằng vẫn vững chắc mà không dùng nhiều gân…Những điều này cần một bác sĩ tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm, không ngại sử dụng các phương tiện dụng cụ tiên tiến nhất
ĐỨT BÁN PHẦN Dây Chằng Chéo Trước có cần mổ hay không?
Đứt bán phần dây chằng có bắt buộc phải mổ hay không cần mổ? câu hỏi này khó trả lời ngay cả với một bác sỹ. Chính vì khó trả lời nên nhiều trường hợp đã đưa ra quyết định sai lầm dẫn đến mổ oan hoặc bỏ sót. Vậy làm sao để tránh được những sai sót đáng tiếc đó.
Trước hết cần hiểu rõ từ đứt bán phần là gì? Thông thường thì chẩn đoán đứt bán phần dựa trên kết quả đọc MRI. Khi MRI đọc đứt bán phần có nghĩa là dây chằng vẫn còn một phần tín hiệu bình thường chứ không đứt rời hoàn toàn, tuy nhiên MRI không nói rõ phần còn lại bao nhiêu phần trăm, phần đứt bao nhiêu phần trăm.
Về định nghĩa thì đứt bất kỳ dây chằng nào trong cơ thể cũng được chia 3 độ, độ I được gọi là nhẹ khi dây chằng vẫn nguyên vẹn và chỉ đứt một phần nhỏ (ước lượng dứoi 25% số sợi dây chằng), khi đó dây chằng bị yếu đi chứ không dãn dài, dây chằng một thời gian sau sẽ lành lại và vẫn giữ vững khớp được. Độ II là khi dây chằng đứt khá nhiều nhưng vẫn còn liên tục ( ước lượng từ 25% đến 75%), dây chằng sẽ bị dãn, khó lành hơn và chỉ giữ vững khớp một phần. Độ III là khi dây chằng đứt gần hết chỉ còn một phần nhỏ (ước lượng đứt trên 75%) hoặc đứt hoàn toàn. Như vâỵ đứt bán phần được hiểu là đứt độ I hoặc độ II.
Dựa vào phân loại này thì khi dây chằng đứt độ I thì không cần phải mổ vì dây chằng tự lành và vẫn có chức năng giữ vững khớp. Nếu đứt độ III thì phải xử trí như đứt hoàn toàn dây chằng vì dây chằng khi đó không thể lành được . Riêng khi dây chằng đứt độ II, có thể lành có thể không, có thể khớp vẫn vững nhưng có thể khớp sẽ lỏng, do đó quyết định điều trị như thế nào sẽ khó hơn.
Tuy nhiên ngay cả trên MRI cũng khó xác định dây chằng đã đứt 25%, 50% hay 75%… mà chỉ thấy dây chằng mặc dù có tổn thương nhưng chưa hoàn toàn mà thôi. Cho nên quyết định điều trị như thế nào phải dựa vào khám trực tiếp là chủ yếu.
Chúng ta có thể ước đoán được dây chằng đứt nhiều hay ít dựa vào độ nặng nhẹ của chấn thương đó, mức độ đau đớn hay mức độ gối sưng như thế nào sau chấn thương, cơ chế chấn thương có ảnh hưởng trực tiếp đến dây chằng không?…Ví dụ sau một cú đạp mạnh của đối phương trực tiếp vào gối từ phía bên ngoài, cầu thủ rất đau và không thể tiếp tục thi đấu, sau đó vài giờ gối sưng to, căng đau nhức…thì suy đoán ban đầu là chấn thương nặng, dây chằng nhiều khả năng đứt hoàn toàn. Ngược lại, với một cú tự té ngã trên sân, không đau nhiều, vẫn tiếp tục chơi bóng được, gối không sưng rõ…thì khả năng dây chằng vẫn còn nguyên vẹn hay chấn thương bán phần độ I.
Khám bệnh và làm các test dây chằng cũng cho biết thêm khả năng dây chằng dãn hay không và dãn tới mức nào. Các test ngăn kéo trước hay test Lachman cũng được chia ra 3 độ 1, 2 và 3 tương ứng với mức độ dây chằng tổn thương. Những trường hợp rõ ràng thì chỉ cần khám và làm test là đã khẳng định chắc chắc dây chằng đứt hay còn nguyên. Dĩ nhiên bác sỹ phải có tay nghề, phải có kinh nghiệm và hơn nữa, phải khám và làm test dây chằng cẩn thận thì mới có kết quả đúng muốn.
Nói tóm lại các trường hợp đứt bán phần cần phải xem xét thật kỹ lưỡng nhiều yếu tố, hoàn toàn không chỉ dựa vào MRI để quyết định được. Một số trường hợp cụ thể như sau:
- Chấn thương nhẹ, MRI đọc đứt bán phần nhưng khám gối vững, không lỏng hoặc chỉ lỏng độ I thì không cần mổ mà bảo tồn được.
- Chấn thương khá mạnh, MRI đọc đứt bán phần, khám gối lỏng độ II. Có 3 hướng xử lý:
- Phẫu thuật để tạo một dây chằng mới hoàn toàn
- Trì hoăn một thời gian đến khi gối hết sưng đau, đi lại bình thường, lúc đó cho thực hiện một vài bài tập chạy, nhảy tương đối khó, hoặc thử chơi thể thao trở lại. Nếu cảm giác vẫn bình thường, không bị cảm giác “trẹo” gối, không cảm giác mất vững…thì không cần mổ
- ở trường hợp 2 sau khi đã cho vận động thử mà gối có cảm giác yếu, mất vững, dễ bị trẹo gối, cảm giác sợ không dám… thì nên mổ tái tạo dây chằng.
Có nên phẩu thuật liền không ạ hay đợi vết thương lành và có thể đi lại rồi mới mổ
Câu hỏi:
E đang trong tình trạng bị đứt dây chằng trước do té xe được 1 tuần rồi
Hiện tại gối e còn đau sưng và chưa thể đi lại được, Chỉ bước nhẹ được vài bước lại té. Trong tình trạng như vậy e có nên phẩu thuật liền không ạ hay đợi vết thương lành và có thể đi lại rồi mới mổ”.
Trả lời
Quan điểm cũ: để “nguội” rồi mới mổ, tức sau 4-6 tuần khi hết sưng viêm. Mổ vào giai đoạn này thì ít chảy máu, ít đau hơn, mổ cũng sẽ dễ dàng hơn.
Quan điểm mới: mổ ngay, các cầu thủ chuyên nghiệp nước ngoài đa số đều mổ trong 24-72g sau chấn thương..
Lý do mổ sớm là để tiết kiệm thời gian, mổ sớm chừng nào thì quay trở lại làm việc, thể thao sớm chừng đó (điều này đặc biệt quan trọng với vận động viên chuyên nghiệp)
Lý do nữa là khi mổ muộn thì phải giữ gìn rất kỹ lưỡng, khả năng chân thuơng lại, vỡ sụn chêm.
Lý do mổ sớm thứ 3 là hiện có nhiều dụng cụ mới và thuốc men, liệu pháp lạnh… để kiểm soát sưng, chảy máu, phù nề… để giúp mổ sớm.
Ý kiến riêng của tôi thì đứt Dây Chằng Chéo Trước không cần mổ gấp nhưng mổ sớm có nhiều cái lợi hơn mổ muôn, mổ sớm tức mổ trên một vết thương có sẵn, mổ muộn tức là tạo vết thương mới trên vết thương cũ đã lành làm tốn thêm thời gian lành lại.
Tuy nhiên, một điều quan trọng các bạn cần ghi nhớ là mổ sớm đòi hỏi phải bác sỹ có kinh nghiệm xử lý cầm máu tốt, phải sử dụng một số dụng cụ đặc biệt để cầm máu, sau mổ phải giảm đau tốt và có chương trình chăm sóc tập luyện tốt.
Trong trường hợp không chắc chắn về trình độ tay nghề bác sỹ hay cơ sở vật chất hoặc không đủ điều kiện chăm sóc sau mổ thì tốt nhất các bạn cứ để một thời gian để gối bớt sưng đau hãy mổ.
Bị đứt dây chằng nhưng chưa có điều kiện mổ thì phải làm sao?
Rất nhiều trường hợp đã xác định rõ đứt dây chằng nhưng không thể hoặc chưa thể mổ được thì mục tiêu là phải giữ khớp gối làm sao để không bị chấn thương thêm, giảm bớt thoái hoá khớp, chống teo cơ và vẫn duy trì sinh hoạt làm việc được.
Lúc này các bạn cần phải làm như sau:
- Tuyệt đối không chơi thể thao cường độ cao kéo dài hoặc có va chạm đối kháng mạnh như đá banh, võ thuật, chạy bộ đường dài… vì nguy cơ chấn thương thêm và thoái hoá khớp rất nhanh.
- Tập duy trì chống teo cơ như đá đùi, móc tạ, đá dây thun…tại phòng gym hoặc tại nhà. Tập cảm giác phản xạ cho gối như nhảy, chạy nhanh tại chỗ, hoặc nhảy trên bậc thang, đạp xe…giúp gối có phản xạ giữ vững.
- Các môn thể thao có thể tập là đi bộ, bơi, gym (tránh gánh nặng, chạy nhiều…), đạp xe, tennis (hạn chế), goft (hạn chế)…
- Sử dụng đai nẹp, băng gối thường xuyên nhất là khi vận động.
- Điều trị thoái hoá khớp hoặc phòng ngừa thoái hoá khớp mỗi năm, thường lỏng gối gây thoái hoá khớp nhanh.
- Lưu ý khi đã đứt dây chằng thì phải tập liên tục, ngưng tập thì cơ teo và gối yếu trở lại rất nhanh.
Dây chằng sau khi mổ có bị teo lại không, sống được bao lâu trong khớp gối?
Điều mà nhiều ngừoi hiểu sai là dây chằng sau khi mổ chỉ sử dụng được một thời gian rồi tự tiêu đi. Thực tế là khi tái tạo một sợi dây chằng thì nó trở thành một bộ phận cơ thể, được nuôi dưỡng, cùng sống cùng chết với đời sống của người đó.
Dây chằng được tái tạo bằng cách lấy một đoạn gân của chính người đó, đào đường hầm rồi luồn gân qua, chốt cố định 2 đầu lại. Như vậy đoạn gân đó thực sự được “trồng” vào xương, sẽ mọc rễ và sẽ dính vào xương, được mạch máu tới nuôi như dây chằng trước đây.
Dĩ nhiên để được như vậy thì phải mất ít nhất 6 tháng. Điều kiện để dây chằng sống được là nó phải gắn đúng vị trí, vì nếu sai vị trí thì dây chằng sẽ bị kéo căng bất thường và trước sau gì cũng hỏng. Điều kiện nữa là dây chằng phải được gia cố vững chắc bằng các dụng cụ implant trong khi mổ để chịu đựợc lực kéo khi gối vận động trong thời gian đầu chưa dính vào xương. Điều kiện quan trọng nữa là môi trường trong gối phải tốt thì dây chằng mới lành, ngược lại nếu gối sưng viêm kéo dài, xương quá xốp, ăn uống dinh dưỡng quá kém, đặc biệt gối bị nhiễm trùng thì dây chằng rất dễ bị chết và tiêu đi.
Một trong những chuyện dễ bị sai sót là vấn đề tập luyện giữ gìn đúng cách suốt thời gian ít nhất 6 tháng sau mổ. Đó là thời gian dây chằng chưa có máu nuôi, chưa bám dính tốt vào xương, chưa lành, chưa chịu được lực kéo căng bình thường khi gối vận động…Vì vậy phải tuân thủ các mức vận động cho phép, mang đai nẹp bảo vệ và tránh các vận động không phù hợp có thể làm sút hay đứt dây chằng.
Nói tóm lại tái tạo dây chằng cũng như ghép cành, một trường hợp thành công tương tự như khi cành ghép đã liền vào cây, sẽ sống và phát triển như tất cả các cành khác trên thân cây đó.
KHÁC BIỆT giữa Dây Chằng Chéo Trước và Dây Chằng Chéo Sau
Đứt dây chằng chéo sau có thể không mổ trong khoảng 30-50% trường hợp. Vì khi bị đứt Dây Chằng Chéo Sau, bạn vẫn có thể đi lại, chạy nhảy …gần như bình thường, thậm chí không teo cơ.
Triệu chứng khó chịu nhất là cảm giác không “thắng” lại được khi đi xuống dốc, xuống cầu thang, khi đang chạy nhanh ( như xe bị thắng không ăn)
- Chẩn đoán Dây Chằng Chéo Sau khó hơn, dễ bỏ sót, dễ nhầm lẫn, trên phim sẽ thấy Dây Chằng Chéo Trước cũng bị dãn nhưng thực sự không phải
- Mổ Dây Chằng Chéo Sau khó khăn hơn Dây Chằng Chéo Trước, ít bác sĩ có kinh nghiệm, nghĩa là khả năng thất bại cao hơn
Mổ Dây Chằng Chéo Sau có nguy cơ tổn thương động mạch kheo, đã gặp không ít trường hợp trên thế giới và trong nước
- Tập sau mổ Dây Chằng Chéo Sau khó hơn , dây chằng dễ bị dãn hơn, nẹp lâu hơn…Nghĩa là khả năng thành công thấp hơn Dây Chằng Chéo Trước
TÓM LẠI:
Chỉ định mổ khi các dấu hiệu này quá rõ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, có rách sụn chêm kèm theo, hoặc khi bạn mong muốn một khớp gối lành mạnh và trở lại thể thao. Những trường hợp vậy rất khó, cần gặp bác sĩ có kinh nghiệm để tránh mổ oan hoặc bỏ sót.
Các trường hợp đứt Dây Chằng Chéo Sau nên mổ với kỹ thuật 2 bó All Inside để dây chằng chắc chắn hơn, bảo đảm cho việc tập luyện sau này an toàn, không bị lỏng thứ phát.
10 việc cần tránh sau mổ dây chằng chéo trước
- KHÔNG tự ý bỏ nẹp trong 4 tuần đầu, mang nẹp khi đi đứng, ngay cả khi ngủ, có thể tháo nẹp khi nghĩ ngơi tại chổ. Bỏ nẹp sớm làm giãn yếu dây chằng.
- KHÔNG bỏ nạng trong 2 tuần đầu (bỏ nạng sớm làm sưng gối sau mổ)
- KHÔNG co gối quá mức trong tháng đầu (gây lỏng dây chằng).
- KHÔNG đi lại quá nhiều trong giai đoạn sớm để tránh sưng gối.
- KHÔNG lên xuống cầu thang bằng chân đau. Không tự lái xe 2 bánh, ngồi xổm trong 2,5 tháng (tránh những tình huống tai nạn làm đứt lại dây chằng).
- KHÔNG nằm bất động tại chổ hay không dám cử động chân mổ vì tâm lý sợ đau, sợ không lành vết mổ (vì sẽ làm ngưng trệ tuần hoàn, mô sẹo co rút).
- KHÔNG chạy nhảy, chơi thể thao trong 3 tháng đầu (dây chằng chưa đủ vững chắc cho các tư thế vặn, xoắn, gập gối).
- KHÔNG tập các động tác không có trong hướng dẫn của bác sỹ (tập sai sẽ làm ảnh hưởng đến sự vững chắc dây chằng, mà khó có thể sửa lại được).
- KHÔNG được thức khuya dậy sớm làm việc quá mức (ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần).
- KHÔNG kiêng cử quá mức trong thực đơn hàng ngày, nhưng cần tránh các thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cho cơ thể (vì cơ thể cần nhiều dinh dưỡng tạo năng lượng cho quá trình phục hồi bệnh).
QUAN HỆ vợ chồng SAU MỔ
Câu hỏi này được rất nhiều người quan tâm, kể cả phụ nữ. Trước hết không có một quy tắc hay nghiên cứu nào về vấn đề này mà tuỳ thuộc vào từng bác sỹ. Quan điểm của tôi dựa trên kinh nghiệm điều trị nhiều trường hợp và hiểu biết về cả Đông- Tây y thì:
- Đối với phụ nữ thì gần như không có ảnh hưởng gì về sức khoẻ.
- Cả nam nữ đều cần tránh các tư thế gây nguy hiểm đến dây chằng.
- Đối với nam giới, “sức tới đâu, dùng tới đó”, không “Cố sức”, hay lạm dụng, có nghĩa là không phải cấm kỵ quá mức.
Tuy nhiên với mỗi cá nhân thì nên tự theo dõi cơ thể của mình, nếu việc quan hệ lại gây ra những bất thường rõ rệt như sốt, sưng gối, đau nhức… thì nên ngừng quan hệ vào thời gian đó và chờ đến khi gối phục hồi đi lại sinh hoạt bình thường thì hãy quan hệ trở lại.