Với tiêu chí chắc bền, phù hợp và tiết kiệm, kỹ thuật 2 bó 3 đường hầm All-inside là phương pháp mới được nhiều người lựa chọn để điều trị đứt dây chằng gối do chấn thương.
Đứt dây chằng là một chấn thương phổ biến trong thi đấu thể thao và cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, việc tái tạo dây chằng để phục hồi khả năng hoạt động của khớp gối đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận.
Nguyên nhân của nhiều trường hợp thất bại trong quá trình tái tạo dây chằng chéo thường liên quan đến cấu trúc của hệ thống dây chằng chéo và các vấn đề sau:
- Vấn đề về gân ghép: Thất bại thường xảy ra khi gân ghép không đủ bền hoặc bị đứt do áp lực quá lớn. Trong giai đoạn đầu của phục hồi, khi mảnh ghép chưa được cung cấp máu và chưa hoàn toàn tích hợp vào cơ thể, độ vững chắc của nó phụ thuộc nhiều vào đặc tính của gân ghép, kích thước của mảnh ghép và kỹ thuật khâu nối. Mảnh ghép có kích thước nhỏ hơn 8 mm thường có tỷ lệ đứt cao hơn so với mảnh ghép lớn hơn 8 mm. Đồng thời, gân ghép có thể bị căng đến 12 mm khi phải chịu lực từ các hoạt động hàng ngày.
- Tính thoái hóa của khớp: Tính thoái hóa của khớp sau phẫu thuật thông thường là một vấn đề nghiêm trọng. Trong vài năm đầu tiên sau phẫu thuật, tỷ lệ thoái hóa có thể đạt 15-20%, nhưng sau 10-15 năm, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 70-80%. Đối với những người đã phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo, việc phải thay khớp do thoái hóa nặng nhiều gấp 5 lần so với người không phẫu thuật. Mặc dù kỹ thuật phẫu thuật thông thường có thể mang lại kết quả ban đầu tốt, nhưng trong tương lai, sự thoái hóa của khớp là một vấn đề đáng lo ngại.
Một trong những biện pháp để hạn chế thất bại trong điều trị là tăng sức bền và giảm độ dãn dài của mảnh ghép. Các mảnh ghép có kích thước khoảng 8-9 mm được coi là có sức bền và khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên, việc tạo ra gân ghép có đường kính mong muốn không phải lúc nào cũng dễ dàng, do ảnh hưởng của cơ địa mỗi người và kỹ thuật phẫu thuật.Ngoài ra, việc sử dụng suture tape để cố định mảnh ghép độc lập cũng là một phương pháp tiềm năng. Kỹ thuật này đã được chứng minh có kết quả tích cực trong việc tăng sức bền và giảm độ dãn dài. Suture tape cũng đã được kiểm chứng hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, với tỷ lệ đứt lại thấp hơn và khả năng ổn định của khớp gối được cải thiện.Xu hướng tái tạo dây chằng mới
Nhiều người bệnh đang tin tưởng lựa chọn tái tạo dây chằng chéo bằng kỹ thuật 2 bó 3 đường hầm All-inside với tiêu chí chắc, bền, phù hợp. Kỹ thuật này đã được tạp chí thuộc lĩnh vực nội soi khớp Arthroscopy Techniques, Mỹ giới thiệu trong bài viết đăng tải vào tháng 12/2021. Kỹ thuật 2 bó 3 đường hầm All-inside cũng được trình bày thành công tại nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước.
Với kỹ thuật All-inside, 2 đầu gân sẽ được mắc 2 chốt treo, có thể điều chỉnh được chiều dài. Nhờ vậy, bác sĩ có thể chập gân 3-4 lần để tăng đường kính, đảm bảo độ dày cần thiết tùy kích cỡ khớp gối người bệnh. Kỹ thuật này thực hiện được ngay cả ở người có khớp gối nhỏ, với thao tác đơn giản và tiết kiệm chi phí vật liệu hơn.
Kỹ thuật này đã được ứng dụng thành công trong thực tế gần 5 năm và chưa có trường hợp nào gặp biến chứng hay thoái hóa khớp gối sau mổ. Hơn nữa, khi được điều trị bằng kỹ thuật này, người gặp chấn thương có thể tiến hành các chương trình tập sau mổ sớm hơn, đồng nghĩa nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Mặt khác, kỹ thuật này tiết kiệm vật liệu hơn phương pháp hai bó bốn đường hầm cũ, giúp giảm chi phí. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng được bảo hiểm y tế thanh toán, giúp người bệnh tiết kiệm đến hàng chục triệu đồng. Hiện nay, có nhiều cơ sở y khoa uy tín trong nước cung cấp dịch vụ mổ với kỹ thuật 2 bó 3 đường hầm All- Inside. Người gặp chấn thương chỉ cần đến khám và nhận chẩn đoán trước khi tiến hành phẫu thuật.