Phòng Khám Cơ Xương Khớp Sports Medic

Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Phòng Tránh

Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Phòng Tránh

Tác giả: Admin27/04/2024

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Cùng Sports Medic tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì? Tại sao lại bị thoát vị đĩa đệm?

Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt sống, xung quanh là lớp vỏ, ở giữa là nhân nhầy. Đĩa đệm có tác dụng chịu áp lực do cột sống đè lên, tạo sự mềm dẻo cho cột sống.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.

thoát vị đĩa đệm cột sống

Thoát vị đĩa đệm

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Đại đa số các thoát vị đĩa đệm xuất hiện sau một chấn thương vùng cột sống hoặc sau một hoạt động gắng sức. Và thường hay xuất hiện ở người trẻ tuổi, người làm công việc lao động chân tay nặng.

Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm còn do thoái hóa đĩa đệm do tuổi già, do một số bệnh lý tại vùng cột sống như u xương đốt sống, saccoma,…

Thoát vị đĩa đệm thường có những biểu hiện gì?

Tiến triển: bệnh thường phát triển theo 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn đau cấp: là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.
  • Giai đoạn chèn ép rễ: đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, khi hắt hơi, … nằm nghỉ thì đỡ đau. Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ thần kinh.

Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính… làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.

Với những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm do thoái hóa đĩa đệm tuổi già, do một số bệnh lý khác tại vùng cột sống, thì triệu chứng bệnh bị che lấp, thường chỉ là những cơn đau ê ẩm lưng nhẹ, rồi diễn tiến tới giai đoạn chèn ép rễ thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm được điều trị như thế nào?

Điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào mức độ và tiến triển của bệnh:

Điều trị nội khoa

Thường được áp dụng ở giai đoạn đầu khi bao xơ đĩa đệm chưa bị rách (lồi đĩa đệm). Nếu điều trị đúng chỉ định và đúng phương pháp thì tỷ lệ thành công rất cao, có thể lên tới > 90%.

Mục tiêu

Giảm đau, hết dị cảm, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện cho phần đĩa đệm bị thoát vị co bớt lại làm giảm chèn ép thần kinh.

Điều trị thông thường gồm 2 phần:

  • Dùng thuốc: giảm đau kết hợp chống viêm non-steroid, thuốc chống co cứng cơ và/hoặc corticoid đường uống.
  • Thủ thuật, vật lý trị liệu: tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh và các biện pháp khác (vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, đai lưng…)

Trong một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm ngoài màng cứng (thường dùng hydrocortisol) để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng. Mỗi lần thực hiện có thể có hiệu quả trong 3 – 4 tháng.

Khi triệu chứng đau cấp cải thiện, tập chương trình phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau. Bao gồm các bài tập để điều chỉnh tư thế, làm khỏe các cơ nâng đỡ cho lưng và cải thiện tính mềm dẻo uyển chuyển.

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị nội khoa thất bại sau 5-8 tuần.
  • Gây chèn ép thần kinh cấp tính.
  • Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú.

Ngoài ra, còn có một sống thể đặc biệt cần can thiệp mổ cấp cứu như: thoát vị đĩa đệm gây đau quá mức, thoát vị đĩa đệm gây liệt hoặc gây hội chứng đuôi ngựa…

Phẫu thuật có thể là mổ mở, hoặc mổ nội soi. Mục đích: giải chèn ép thần kinh, lấy bỏ nhân thoát vị.

Dự phòng thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Tư thế nâng đồ vật đúng

Rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm do khiêng đồ vật nặng sai tư thế, vậy nên tư thế nâng đồ vật đúng rất quan trọng:

Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau:

  • Hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc.
  • Ngồi xổm xuống (gấp khớp gối và khớp háng, không cúi gấp cột sống).
  • Bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra.
  • Nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy (không dùng cơ thắt lưng để nâng).
  • Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn.
  • Độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường.

Tư thế mang đồ vật đúng

Khi mang đồ vật di chuyển, kể cả vật nặng hay nhẹ cũng cần thực hiện đúng tư thế, nhất là tư thế cột sống và thân mình. Khi đảm bảo đã ôm vật chắc bằng hai tay, vật đặt sát bụng ở ngang ngực – thắt lưng thì có thể di chuyển.

Lưu ý khi đi, cột sống giữ thẳng, thắt lưng có độ cong bình thường. Bước đi bình thường không cúi gập người hay bước lệch.

Tư thế kéo, đẩy đồ vật đúng

Nếu có thể, nên ưu tiên đầy đồ vật, nhất là đồ vật to, nặng. Khi thực hiện động tác này cần lưu ý phối hợp hoạt động của các khớp và cột sống, đồng thời giữ khoảng cách giữa 2 chân phù hợp. Hai chân cũng thực hiện nhiệm vụ làm trụ đế vững chắc, hai gối hơi gấp rồi dùng trọng lượng cơ thể dồn lên 2 chân tạo lực kéo, đẩy đồ vật.

Bên cạnh đó, việc ăn uống lành mạnh đủ chất, thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao, các bài tập mạnh cơ vùng lưng,.. cũng giúp làm giảm tỉ lệ thoát vị đĩa đệm.

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng