Thoái hóa khớp gối và thay khớp gối (TKA: Total Knee Arthroplasty)
Thoái hóa khớp gối là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi. Thoái hóa khớp gối nhẹ và vừa có thể điều trị bảo tồn nội khoa như: huyết tương, chất nhờn, tế bào gốc, giảm đi lại,…
Nhưng những thoái hóa khớp gối giai đoạn cuối cần phải phẫu thuật thay khớp. Do thoái hóa khớp là một quá trình xảy ra tự nhiên theo tuổi tác, cho nên đôi khi rất khó tránh khỏi. Vì vậy, người lớn tuổi cần phải hiểu rõ thoái hóa khớp gối và thay khớp gối là gì.
- Thoái Hóa Khớp Gối là gì?
- Thoái hóa khớp là tình trạng bệnh lý, trong đó mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và hủy hoại của mô sụn và xương dưới sụn của các khớp hoạt dịch.
– Thoái hóa khớp được nhận biết bởi các dấu hiệu sau:
+ Sự mất tiến triển của sụn khớp (mòn sụn khớp).
+ Sự hình thành chồi xương (gai xương).
+ Quá trình xơ xương dưới sụn – gây đau.
+ Sự biến dạng và mất chức năng của khớp gối.
Khớp gối là khớp hoạt dịch lớn, chịu tải trọng lớn của cơ thể, đặc biệt trong các hoạt động như leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống, bật nhảy….
Tỉ lệ. (sơ đồ)
Theo thống kê của WHO, tỉ lệ bị thoái hoá khớp gối chiếm khoảng 20% dân số.
– Tại Mỹ, ở độ tuổi trên 55, tỉ lệ thoái hóa khớp gối lên tới 80%. – Tại Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ, tỉ lệ này ở người trên 40 tuổi chiếm trên 23% và đang ngày càng tăng nhanh.
- Phân độ thoái hóa khớp gối.
Tình trạng thoái hóa khớp gối thường không xảy ra tức thì mà sẽ tiến triển dần theo thời gian. Dựa vào mức độ thương tổn có thể chia quá trình trên thành 4 giai đoạn tiến triển:
– Giai đoạn 1: Thoái hóa khớp gối độ 1
Giai đoạn này, người bị thoái hóa khớp gối hầu như không có các triệu chứng rõ ràng.
Người bệnh vẫn đi lại bình thường, chưa xuất hiện các cơn đau khớp hoặc có thể chỉ bị đau nhức khớp gối nhẹ khi đứng lên ngồi xuống, ngồi xổm, leo cầu thang…
Khớp gối ở giai đoạn này cũng chưa bị sưng và cấu trúc xương cũng chưa biến dạng. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như Xquang, MRI, CT…. sẽ khó thấy tổn thương vì khớp gối vẫn gần như bình thường.
– Giai đoạn 2: Thoái hóa khớp gối độ 2
Giai đoạn 2, X-quang thường cho thấy gai xương đã bắt đầu hình thành nhưng bề mặt sụn khớp vẫn chưa có thay đổi nhiều. Bao hoạt dịch khớp vẫn cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng sụn và bôi trơn khớp.
Mặc dù vậy, người bệnh vẫn có thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như:
– Đau nhức khớp gối sau khi chạy dài, đi bộ hay làm việc quá sức, vận động nhiều, làm việc sai tư thế.
– Cứng khớp gối khi trời lạnh hoặc không hoạt động trong nhiều giờ.
– Đau, khó chịu khi thực hiện các động tác như: khuỵu gối, cúi người…
– Giai đoạn 3: Thoái hóa khớp gối độ 3
Tại giai đoạn 3, người bệnh sẽ càng cảm nhận rõ hơn các cơn đau tại khớp gối. Lúc này, lớp sụn khớp bao bọc quanh đầu xương đã có dấu hiệu bào mòn đáng kể. Mô mềm quanh khớp cũng bị viêm dẫn đến tình trạng viêm bao hoạt dịch. Hình ảnh trên phim chụp X-quang còn thấy rõ các gai xương phát triển nhiều hơn, khe khớp giữa các đầu xương bị thu hẹp thấy rõ.
Các triệu chứng thường gặp phổ biến nhất ở giai đoạn này đó là:
– Đau nhức và khó chịu nhiều hơn khi thực hiện các tư thế như: đứng, đi, ngồi xổm hay lên cầu thang.
– Cứng khớp xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn vào các buổi sáng.
– Xuất hiện tình trạng sưng, đau, tràn dịch hay biểu hiện vẹo khớp gối do viêm khớp gối gây ra.
– Giai đoạn 4: Thoái hóa khớp gối độ 4
So với các giai đoạn trên, thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 4 đã có những biểu hiện nghiêm trọng hơn hẳn. Lớp sụn khớp gần như bị bào mòn và bong tróc hoàn toàn để lộ đầu xương rõ rệt. Gai xương hình thành nhiều và có kích thước ngày càng lớn, khoảng cách giữa hai đầu xương cũng bị thu hẹp đáng kể. Lượng dịch bôi trơn khớp giảm đi còn khiến các đầu xương dễ dàng cọ xát với nhau gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng.
Các triệu chứng thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 4 người bệnh thường gặp phải đó là:
– Đau nhức khớp gối liên tục ngay trong những hoạt động đơn giản
– Sưng, viêm và cứng khớp
– Khó vận động khớp, khó đi lại
Theo thời gian, thoái hóa khớp gối còn có thể gây biến dạng khớp hoàn toàn, lệch trục khớp…
- Thoái Hóa Khớp Gối khi nào cần thay khớp?
Thoái hóa khớp gối độ I, II cần dùng thuốc, vật lý trị liệu,
Thoái hóa độ III, IV có thể điều trị bằng PRP, TBG, HA và hạn chế đi lại, nhưng thường có kết quả thấp . Lúc này, tùy theo lứa tuổi và tình trạng của khớp gối, mà bắt đầu có chỉ định thay khớp gối.
Các dấu hiệu gợi ý:
– Đau đầu gối nghiêm trọng làm hạn chế các hoạt động hàng ngày của bạn.
– Đau đầu gối vừa hoặc nặng, đau ngay cả khi nghỉ ngơi, bất kể ngày hay đêm.
– Tình trạng viêm và sưng tấy đầu gối kéo dài mà không thuyên giảm, cả khi nghỉ ngơi và dùng thuốc.
– Chân bị vẹo trong, vẹo ngoài, mất duỗi.
– Các thuốc NSAID giảm đau kém hiệu quả dần hoặc cơ thể bạn không thể dung nạp được chúng.
Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng