Phòng Khám SportsMedic

Thoái Hóa Cột Sống ( Degenerative Spine)

Thoái Hóa Cột Sống ( Degenerative Spine)

Tác giả: Admin01/10/2021

  1. Thoái hóa cột sống là hiện tượng bệnh lý gì? Có nguy hiểm gì không?

Thoái hóa cột sống là một trong những bệnh xương khớp phổ biến, gây nên những cơn đau nhức, khó chịu cho người bệnh, thậm chí là những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

– Thoái hóa cột sống (hay Degenerative Spine) là một thuật ngữ y học chỉ những thay đổi trong cấu trúc và chức năng bình thường của cột sống theo thời gian, mà biểu hiện ban đầu là tình trạng viêm thoái hóa, sau đó dần hình thành lên các gai xương và cầu xương. Ngoài các đốt sống, tình trạng viêm thoái hóa có thể xảy ra ở vùng sụn khớp giữa các đốt sống, lớp màng bao hoạt dịch, lớp xương dưới sụn hoặc đĩa đệm.

Số liệu thống kê cho thấy, thoái hóa cột sống thường xảy ra ở 2 vị trí là cổ và vùng thắt lưng do phải gánh chịu nhiều áp lực từ các hoạt động hàng ngày.

Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không?

Mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng thoái hóa cột sống không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

 

– Chèn ép dây thần kinh: các cơn đau chèn ép lên rễ thần kinh gây nên những cơn đau nhức ở vùng thắt lưng, có xu hướng lan xuống vùng hông, cẳng chân bàn chân khiến người bệnh khó khăn trong việc di chuyển.

– Biến dạng cột sống: khi bị thoái hóa cột sống, người bệnh thường có xu hướng cúi xuống đất hoặc nghiêng người mới có thể di chuyển. Lâu dần, cột sống bị biến dạng: cong, gù,  gây mất thẩm mỹ.

– Gây ra các bệnh xương khớp khác như thoát vị đĩa đệm, bệnh gai cột sống: thoái hóa cột sống nếu không được điều trị kịp thời có thể làm cho các đầu sụn ngày càng bị bào mòn, ảnh hưởng đến đĩa đệm, dẫn đến bệnh gai xương và thoát vị đĩa đệm,…

– Ảnh hưởng đến thị lực: đây cũng là biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: mắt sưng đau, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, thị lực giảm mạnh, thậm chí là mù.

– Đau ngực: đôi khi tình trạng thoái hóa cột sống cũng chèn ép lên dây thần kinh đi qua ngực, khiến khu vực này phải chịu những cơn đau.

  1. Các nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống là gì?

Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thoái hóa cột sống là do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuổi càng cao, cấu trúc xương khớp càng suy yếu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Bởi vậy, đối tượng người trung niên, cao tuổi thường có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

Trên thực tế, không ít người mắc thoái hóa cột sống khi tuổi còn rất trẻ. Như vậy, nguyên nhân gây bệnh không chỉ là tuổi tác mà còn có thể do một số nguyên nhân khác. Phổ biến nhất có thể kể đến như:

 

  • Ảnh hưởng của công việc: Các công việc phải ngồi/đứng nhiều hoặc mang vác vật nặng dễ làm cột sống bị tổn thương. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài gây nên thoái hóa cột sống.

 

  • Cân nặng: Cân nặng là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống. Theo lý giải của các chuyên gia, trọng lượng cơ thể càng lớn thì cột sống sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, từ đó dễ gây thoái hóa cột sống.

 

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống hàng ngày nếu thiếu các dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển xương khớp như Canxi, Vitamin… có thể gây nên tình trạng loãng xương, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống.

 

  • Ảnh hưởng của giới tính: Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống ở nam giới thường cao hơn nữ giới. Nguyên nhân được đưa ra là do nam giới thường phải bê vác vật nặng, từ đó khiến cột sống chịu nhiều tổn thương hơn.

 

  • Chấn thương: Các chấn thương vùng cột sống do tai nạn lao động, giao thông… không được xử lý tận gốc sẽ là tác nhân gây ra thoái hóa cột sống.

 

  • Di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh về cột sống thì nguy cơ mắc thoái hóa cột sống của các thành viên sẽ cao hơn người bình thường.
  1. Các triệu chứng ban đầu của thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống thường có tiến triển chậm, không có biểu hiện cụ thể trong giai đoạn đầu. Do đó, bạn rất khó có thể phát hiện bệnh sớm.

Nói chung, các triệu chứng của thoái hóa cột sống giai đoạn hiển hình bao gồm:

 

– Biến dạng cột sống: gù, vẹo.

– Chuyển động hạn chế: Khó khăn khi cúi, ngửa, gập người, khi xoay trái phải.

– Đau đớn: Dữ dội (đa phần do căng cơ) hoặc âm ỉ, đau khi di chuyển, hoặc cả khi nghỉ ngơi.

– Các biểu hiện tổn thương dây thần kinh:

Yếu đuối khi vận động.

Giảm/ Mất cảm giác.

Các vấn đề về chức năng bàng quang và ruột.

Rối loạn chức năng tình dục.

+> Ngoài ra một số biểu hiện của thoái hóa cột sống cũng được thể hiện trên một số xét nghiệm:

 

– X quang: phát hiện tình trạng tổn thương ở xương đốt sống: Lún, xẹp, trượt đốt sống, các gai xương, hẹp khe khớp,…

– Cộng hưởng từ MRI: hình ảnh trên phim sẽ giúp hiển thị chính xác các tổn thương xảy ra ở cấu trúc đĩa đệm, dây thần kinh, dây chằng,…

– Một số xét nghiệm khác: điển hình như xét nghiệm máu nhằm loại trừ các bệnh lý gây đau cột sống như viêm cột sống dính khớp, lao cột sống.

  1. Thoái hóa cột sống thì điều trị những gì?

4.1 Thay đổi lối sống

– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp vào bữa ăn hằng ngày như vitamin D, vitamin C, Canxi hoặc Magie, Glucosamine từ các loại thực phẩm chức năng.

– Uống nhiều nước lọc, tối thiểu 1,5 lít – 2 lít/ngày.

– Không dùng các chất kích như thuốc lá, rượu bia, cà phê.

– Hạn chế các công việc nặng nhọc, dùng sức nhiều, chú ý điều chỉnh tư thế, giảm các áp lực dồn lên cột sống.

– Thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi nhiều, khoảng 60 phút nên đứng lên đi lại để cột sống và xương khớp được thư giãn.

– Giữ cho tinh thần thoải mái, kiểm soát căng thẳng và áp lực bằng cách đọc sách, nghe nhạc, dạo phố, đi du lịch.

– Tập luyện thường xuyên và đúng cách các bài tập như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu để tăng năng lượng, tăng cường cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của các khớp xương.

– Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.

4.2 Điều trị nội khoa

Thoái hóa cột sống có thể điều trị theo triệu chứng lâm sàng bằng cách sử dụng một số loại thuốc như:

 

– Thuốc giảm đau như Paracetamol, Paracetamol kết hợp Codein.

– Thuốc chống viêm không Steroid.

– Thuốc giãn cơ.

– Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm như Glucosamine Sulfate, thuốc ức chế IL1.

– Tiêm corticoid tại chỗ.

Về cơ bản, các loại thuốc chỉ hỗ trợ “khóa” cơn đau tạm thời, không thể phục hồi tác động tới các cấu trúc cột sống đã bị thoái hóa. Nếu ngưng sử dụng thuốc, các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn trước đây. Chưa kể, nhiều bệnh nhân vì mong muốn nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều lượng sử dụng thay vì dùng theo chỉ định của bác sĩ, dẫn đến hậu quả là suy giảm chức năng gan và thận, tăng nguy cơ loét thủng hoặc chảy máu dạ dày.

4.3 Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nếu người bệnh có các triệu chứng nặng và kéo dài mà các biện pháp điều trị khác không hiệu quả. Hoặc trong các trường hợp dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tê liệt nghiêm trọng, yếu hoặc mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, và nếu tổn thương có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không phẫu thuật kịp thời.

  1. Một số bài tập cho người thoái hóa đốt sống.

Các bài tập hàng ngày cho bệnh nhân thoái hóa cột sống với các động tác kéo giãn cơ lưng, cơ bụng, di động cột sống… giúp chúng ta dự phòng và hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống.

 

Các bài tập vận động này tốt cho hệ xương khớp và cột sống. Nếu tập thường xuyên và duy trì sẽ giúp cải thiện và giảm cảm giác đau. Có thể tập các động tác này ít nhất 2 lần trong một ngày, một động tác lặp lại 10 lần.

5.1 Bài tập kéo giãn cơ lưng: Gấp chân đưa gối về phía ngực

Bạn có thể tập bài này với từng chân, và sau đó cả hai chân.

Tư thế ban đầu: nằm ngửa trên bàn tập hoặc trên mặt đệm chắc, hoặc trên sàn nhà.

Thực hiện bài tập:

– Chân trái duỗi thẳng sát trên mặt đệm.

– Gấp chân phải vào bụng, cài hai bàn tay vào nhau ở phía sau đùi phải, kéo đùi về phía ngực đến mức tối đa.

– Giữ ở vị trí đó 30 giây rồi đưa chân trở về tư thế bắt đầu.

– Làm tiếp như vậy với chân trái. Tập từ 05 đến 10 lần cho mỗi chân.

5.2 Tư thế giống mèo và Lạc đà

Tư thế bắt đầu: Người tập quỳ hai gối và chống hai bàn tay xuống sàn nhà, hai tay duỗi, đầu và thân mình thẳng, hai mắt nhìn về phía sàn nhà.

Thực hiện bài tập:

– Từ từ làm cong võng thắt lưng xuống đến mức có thể, ngửa mặt lên về phía trần nhà, giữ như vậy trong 05 giây.

– Sau đó làm co các cơ bụng dưới, thót bụng lại, cúi đầu xuống về phía sàn nhà, rồi cong vùng thắt lưng lên càng nhiều càng tốt, giữ như vậy trong 05 giây rồi trở về tư thế bắt đầu.

– Tất cả các vận động đều bắt đầu từ vùng thắt lưng, tập 5 đến 10 lần như vậy.

5.3 Nằm sấp đẩy thân lên làm duỗi cột sống

Tư thế bắt đầu: Người tập nằm sấp trên đệm, chống hai bàn tay, khuỷu tay và cẳng tay lên đệm để trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai cẳng tay.

Thực hiện bài tập:

– Từ từ duỗi hai khuỷu tay, hạ hai vai (không rụt cổ co sát hai vai vào),

– Đẩy nâng thân mình phía trên lên, hai tay duỗi thẳng nếu được (nếu không thì hơi gấp hai khuỷu tay),

– Hai bàn tay chống trên mặt đệm, vùng thắt lưng ưỡn cong ra trước, hai bên hông sát trên mặt đệm như trong hình bên.

– Giữ ở tư thế đó trong tối thiểu 10 giây rồi trở về tư thế bắt đầu. Tập từ 5 đến 10 lần như vậy.

5.4 Bài tập kéo giãn cơ vùng mông, đùi sau:

đặc biệt tốt cho những bệnh nhân bị chèn ép thần kinh tọa, đau nhức vùng mông.

Tư thế bắt đầu: Người tập nằm ngửa, chống chân tập lên tạo góc 90 độ, vắt chéo cổ chân này lên đầu gối chân kia. Hai tay đặt phía sau đùi chân tập.

Thực hiện bài tập: Từ từ kéo dần hai tay, nâng chân lên sát về phía người, tới mức tối đa có thể. Giữ ở vị trí này khoảng 10s, sau đó từ từ hạ chân xuống về tư thế bắt đầu. Tập 5-10 lần, sau đó đổi chân.

5.5 Bài tập bắc cầu:

tác dụng làm mạnh khối cơ vùng lưng, bụng, mông.

Tư thế bắt đầu: Người tập nằm ngửa, co 2 chân tạo góc khoảng 90 độ. Hai tay thả lỏng đặt dọc hai bên thân mình (hoặc có thể kê sau lưng, hỗ trợ khối cơ lưng bụng còn yếu).

Thực hiện bài tập: Gồng cơ bụng, đẩy mông nâng cao mông lên khỏi mặt đất, giữ khoảng 5 – 10s, sau đó từ từ trở lại tư thế xuất phát. Tập 5-10 lần.

5.6 Lăn nghiêng Hông

Tư thế bắt đầu: Người tập nằm ngửa trên đệm hoặc trên sàn nhà, hai gối gấp, lòng bàn chân sát trên mặt đệm.

Thực hiện bài tập: Hai tay bắt chéo trước ngực, giữ cố định đầu và thân trên đồng thời quay hai gối sang bên trái đến mức tối đa. Giữ như vậy trong tối thiểu 5 giây, sau đó đưa hai gối về vị thế ban đầu. Làm tiếp như vậy về phía bên đối diện. Tập từ 5 đến 10 lần cho mỗi bên.

5.7 Nâng thẳng tay, chân đối bên:

tác dụng mạnh khối cơ lưng.

Tư thế ban đầu: Bạn có thể chống 2 tay, 2 đầu gối tạo hình cái bàn hoặc có thể nằm sấp, duỗi thẳng chân tay.

Thực hiện bài tập: Nâng tay trái thẳng về phía trước, chân phải thẳng về phía sau, giữ lại khoảng 5-10s theo sức của mình, sau đó từ từ hạ xuống tư thế ban đầu. Tiếp tục làm với tay phải, chân trái. Tập 5 – 10 lần theo sức của mình.

5.8 Các bài tập kéo giãn cho đốt sống cổ

Chủ yếu là các động tác cúi, ngửa, quay trái phải, nghiêng trái phải tối đa.

Tư thế ban đầu: Bạn có thể đứng hoặc ngồi, giữ đầu thẳng.

Thực hiện bài tập: Lần lượt thực hiện cúi/ ngửa/xoay trái/xoay phải/nghiêng trái/ nghiêng phải tối đa có thể, giữ lại khoảng 10s. Ngày tập 5-10 lần.

5.9 Một số bài tập mạnh cơ vùng cổ.

Tư thế ban đầu: Bạn có thể đứng hoặc ngồi. Đầu giữ thẳng, hai tay đặt phía sau/ phía trước/ 2 bên.

Thực hiện bài tập: Dùng tay tác dụng lực (theo sức của mình) đẩy đầu về phía đối diện. Gồng cơ vùng cổ, cản lại lực đẩy từ tay, sao cho đầu giữ nguyên vị trí. Mỗi lần tập giữ khoảng 10s. Ngày tập 5-10 lần.

Day chang cheo truoc khop goi

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng