Phòng Khám Cơ Xương Khớp Sports Medic

CUỘC CÁCH MẠNG TRONG PHƯƠNG PHÁP TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

CUỘC CÁCH MẠNG TRONG PHƯƠNG PHÁP TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

Tác giả: quantriweb07/03/2024

Hôm nay chúng tôi giới thiệu một phương pháp tái tạo dây chằng chéo trước HOÀN TOÀN MỚI,  có thể xem là CUỘC CÁCH MẠNG trong nội soi tái tạo Dây chằng chéo trước (DCCT),  kỹ thuật 2 bó- 3 đường hầm All- Inside, hay còn gọi là THREE- INSIDE

Đó là giải pháp KẾT HỢP ưu điểm của kỹ thuật  tái tạo DCCT 2 bó – 3 đường hầm của chúng tôi + ưu điểm của kỹ thuật All Inside, kết quả PP THREE- INSIDE mang lại là:

  • Tái tạo hai bó đúng giải phẫu tự nhiên của dây chằng chéo trước
  • Phục hồi chức năng hai bó vốn có của dây chằng chéo trước
  • Tăng kích thước của dây chằng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi với kỹ thuật treo hai đầu All Inside
  • Đạt được độ vững chắc gần như tuyệt đối,
  • Rút ngắn thời gian tập, tập luyện an toàn đảm bảo hơn rất nhiều
  • Áp dụng tuyệt vời cho cầu thủ chuyên nghiệp, giúp trở lại thể thao nhanh hơn
  • Là phương án tối ưu trong các trường hợp quá cân (béo phì), xương loãng, mổ lại (Revision)…cần cố định DC chắc chắn hơn

Điều đáng mừng là PP THREE- INSIDE này cũng áp dụng được cho tất cả mọi kích cỡ khớp gối, mọi giới tính, mọi chủng tộc. Đây là cơ hội cho người Việt nam chúng ta được hưởng thụ các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Hình ảnh kỹ thuật mổ tái tạo Dây chằng chéo trước (DCCT),  kỹ thuật 2 bó- 3 đường hầm All- Inside, hay còn gọi là THREE- INSIDE:

https://phongkhambonnela.com/three-inside-cuoc-cach-mang-trong-phuong-phap-tai-tao-dcct

MỔ TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO SPORTS MEDIC MỔ TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO

Hiện nay trên 95% bệnh nhân của Phòng khám Sports Medic được mổ theo phương pháp này.

ĐIỂM QUA CÁC PHƯƠNG PHÁP MỔ TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO THÔNG THƯỜNG KHÁC HIỆN NAY

1.PHƯƠNG PHÁP TÁI TẠO MỘT BÓ- TRUYỀN THỐNG

Là phương pháp mọi người làm từ trước tới giờ. Có nghĩa là xác định vị trí trong khớp, khoan hai đường hầm trên đùi và dưới mâm chày, sau đó luồn mảnh ghép qua và chốt hai đầu.

Cái thuận lợi của phương pháp này là đơn giản, dùng mảnh ghép nào cũng được (Gân bánh chè, gân Hamstring…).

Cũng có nghĩa là mổ nhanh hơn, nhiều người học được làm được hơn, do đó phổ biến nhanh nhất.

Cuộc mổ cũng ít biến chứng, tai biến, ít đau nhất do tính đơn giản của nó.

Thuận lợi nữa là dụng cụ ốc vít tối thiểu, ít tốn kém, phù hợp cho số đông, bảo hiểm y tế…

Kết quả cũng rất tốt (phục hồi  90-95%) theo các báo cáo toàn cầu.

Hiện nay được đa số các Phẫu thuật viên thế giới áp dụng phương pháp mổ dây chằng chéo trước này.

Cái phổ biến nhất chưa chắc là tốt nhất ! 

Ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm của phương pháp phương pháp mổ dây chằng chéo trước này. Chúng ta không nói về con số thống kê. Vì các con số cũng mang tính chủ quan rất cao của cá nhân.Yếu điểm của phương pháp này là không phục hồi lại đúng GIẢI PHẪU HỌC vốn có của dây chằng chéo trước. Dây chằng chéo trước vốn được cấu tạo bởi hai bó (Double Bundles). bó trước-trong AM (bó chính- nói tắt là bó trước) và bó sau-ngoài PL (bó phụ- nói tắt là bó sau).

Bó trước theo hướng đứng hơn, do đó giữ gối vững TRƯỚC_SAU.

Bó sau nằm xéo, sẽ giúp gối tránh di lệch XOAY- VẶN XOẮN.

Khi chỉ tái tạo lại 1 bó, phải lựa chọn hoặc bó trước AM, hoặc bó sau PL. Cách làm hiện nay ưu tiên tạo lại bó trước AM.

Có nghĩa là bỏ sót bó sau PL.

Nhiều phẫu thuật viên cố gắng làm một bó trung gian, tức giữa bó trước và bó sau, hay được gọi là Một bó Tương- đương giải phẫu – “Matched Anatomy Single Bundle

Mặc dù nhiều báo cáo kết quả tốt đến rất tốt, về mặt cơ học thì ai cũng thấy rõ. Các cố gắng này không thể thay thế được hai bó của dây chằng tự nhiên được.

Gần đây PP làm một bó tất cả- bên trong (All Inside) – tức là treo cả hai đầu gân thay vì bắt vít, làm tăng kích thước cũng như độ chắc của dây chằng, tuy nhiên về căn bản cũng chỉ tái tạo 1 bó.

=> Đây cũng là lý do phương pháp hai bó ra đời.

  1. PHƯƠNG PHÁP 1 BÓ ALL-INSIDE:

Là cơ bản là kỹ thuật tái tạo DCCT một bó, khoan đường hầm và cố đinh dây chằng bằng cách khác

Hai đường hầm chột được khoan chừa lại vỏ xương cứng bên ngoài bằng các mũi khoan ngược (Flipcutter). Chiều dài vừa đủ để chứa dây chằng nằm bên trong.

Dây chằng được bện sẵn nối với 2 chốt treo hai đầu, sau đó được luồn vào khớp và treo vào vỏ xương cứng. Không dùng vít bắt vào như thông thường.

ƯU ĐIỂM SO VỚI PP 1 BÓ THÔNG THƯỜNG:

  • Vững chắc nhờ treo vào vỏ xương cứng
  • Ít mất xương, bảo tồn vỏ xương
  • Ít đau hơn
  • Dây chằng có kích thước lớn hơn nhờ gấp được nhiều lần hơn
  • Phục hồi nhanh hơn
  • Tỉ lệ đứt lại thấp hơn

NHƯỢC ĐIỂM:

  • Vẫn là tái tạo DCCT 1 bó nên không phục hồi hoàn toàn giải phẫu học và chức năng tự nhiên của DCCT.
  • Điểm yếu nằm ở mối nối khâu bện gân, cần phải nắm vững kỹ thuật này để tránh tuột gân sau khi treo.
  • Rất nhiều trường hợp làm dây chằng quá to so với kích thước khớp gối. Gây ra cứng gối, đè ép làm dãn dây chằng chéo sau. Hoặc làm thoái hoá khớp nhanh chóng do thay đổi Cơ-sinh học của gối.
  •  PHƯƠNG PHÁP HAI BÓ- 4 ĐƯỜNG HẦM KINH ĐIỂN.

Người phát triển và cỗ vũ cho phương pháp này là một BS gốc châu Á- BS Fredi Fu. Mặc dù phương pháp hai bó của ông phù hợp với giải phẫu của người …Âu- Mỹ hơn.

Thay vì đào hai đường hầm để làm 1 bó theo 1 hướng duy nhất, ông đào tới…4 đường hầm để chứa 2 bó theo hai hướng. Ông muốn tái lập lại hai bó trước và sau đúng như tự nhiên.

Ông so sánh với bản lề cửa, cửa xài một bản lề không thể nào chắc hơn cửa nhiều bản lề.

Kết quả báo cáo, dĩ nhiên rất tốt, phương pháp này làm gối chắc hơn. Chống di lệch trước- sau cũng như xoay- vặn xoắn. Năm 2008, lần đầu tiên tôi cũng đã áp dụng kỹ thuật này trên một vận động viên tại bệnh viên FV TP. HCM (lúc đó trong nước chưa nghe ai báo cáo phương pháp này). Kết quả tới bây giờ VĐV này thi đấu rất tốt.

Nhiều phẫu thuật viên các nước cũng học tập và áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên số lượng so với phương pháp cũ một bó vẫn còn là “số lẻ”.

Một phương pháp về mặt lý thuyết tốt như vậy, kết quả tốt như vậy vẫn không trở thành phương pháp chủ đạo và không được áp dụng rộng rãi?. Có nghĩa là nó có những khuyết điểm “chết người” mà lợi ích nó mang lại không đủ để phải hy sinh.

Khuyết điểm của phương pháp này là gì?

Đầu tiên là gối phải đủ lớn mới đủ chỗ để đào 4 đường hầm. Thường một người đàn ông, cao trên 1m70 mới có khớp gối đủ to như vậy.

Đó là lý do tôi nói PP này không phù hợp với người á châu. Như vậy trước khi mổ phương pháp này phải đo thử khớp gối to bao nhiêu. Tức phải chụp X quang và đo. Trong khi mổ phải đo lại một lần nữa đường kính của chân dây chằng cũ…Rất bị động và phiền toái. Chỉ với yếu tố này thôi đã hạn chế sự phổ biến đáng kể của pp này.

Thứ hai kỹ thuật đào 4 đường hầm rất phức tạp. Do đó để học được không phải dễ, tay nghề rất cao, khó phổ biến, BS ngại thực hiện.

Thêm nữa thơì gian mổ lâu hơn nhiều, garo lâu hơn dễ làm teo cơ, đau đớn gấp bội. Nhiều biến chứng trong đó dễ “xuyên thủng” thần kinh chạy gần gối…

Điểm yếu và cách khắc phục:

Một yếu điểm “chết người” nữa là mặc dù dây chằng về sau sẽ vững chắc hơn, trong giai đoạn 3-4 tháng đầu gối lại yếu hơn do các đường hầm làm xương yếu đi, chưa kể hai đường hầm bên dưới  rất gần nhau và dễ bị thông nhau. Vì vậy tập phải chậm hơn, chống chân chậm hơn, nguy cơ cao hơn…

Đã khó làm, sợ làm không đúng người, biến chứng mổ cao hơn, tập lại lâu hơn…tất cả lý do này giải thích tại sao PP hai bó này cho tới giờ vẫn  chưa được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi.

 Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng