Mục lục bài viết
1. Tổng quan về bệnh đau thắt lưng
Vùng thắt lưng vốn được xem như bản lề của cột sống, mọi tư thế vận động, xoay chuyển, mang vác và cả quá trình lão hóa đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng này. Đau lưng cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở lứa tuổi 30-60.
Ngoài ra chứng đau cột sống thắt lưng hay còn gọi là đau lưng vùng thấp, là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông (ở một bên hoặc cả hai bên), đây cũng là một hội chứng xương khớp hay gặp nhất. Có đến khoảng 65-80% người ở độ tuổi trưởng thành có đau cột sống thắt lưng cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời và khoảng 10% số này bị chuyển thành đau đau cột sống thắt lưng mạn tính. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng bởi khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau đớn, mệt mỏi.
2. Tác động của đau lưng đối với sức khỏe
Người bệnh nào đã từng mắc chứng bệnh đau lưng cấp tính hay mạn tính, âm ỉ hay dữ dội đều phải thừa nhận rằng căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày. Người bị đau lưng thường gặp khó khăn trong hầu hết các chuyển động, bị giới hạn thực hiện những công việc tay chân. Để tránh đau nhức họ thường phải di chuyển cẩn thận, theo đó những hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng diễn ra từ từ, chậm chạp.
Những cơn đau thắt lưng vào ban đêm thường gây khó ngủ, về lâu dài sẽ dẫn đến mất tập trung, trí nhớ kém. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cho thấy, những người bị đau lưng mạn tính thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường. Họ thường cảm thấy chán nản, vô vọng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cân nặng không ổn định, mất niềm vui hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng này diễn ra mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần.
Một nghiên cứu khác cũng cho biết, chứng đau lưng tác động đáng kể đến đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng. Vợ hoặc chồng bị đau lưng thường có xu hướng tránh quan hệ tình dục, điều này gián tiếp làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai.
Nếu chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, cơn đau lưng có thể còn kèm theo những biến chứng nguy hiểm khác như: Yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hoặc mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động, hoặc nặng hơn là những chèn ép vào hệ thần kinh gây rối loạn kiểm soát đi tiểu. Lúc này, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị cao cũng là gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình
3. Nguyên nhân gây đau lưng
Nguyên nhân bị đau lưng có nhiều nhưng có thể phân làm 2 nhóm nguyên nhân chính:
3.1 Do bệnh lý
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm L4, L5, S1 là một trong những căn bệnh xương khớp thường gặp nhất. Người bệnh đau lan từ cột sống thắt lưng lan xuống mông, phía sau ngoài đùi, mặt trước bên cẳng chân, mắt cá ngoài, qua mu chân tới ngón I nếu bị chèn ép ở L5. Nếu tổn thương ở S1, đau lan xuống mặt sau đùi, cẳng chân, gân Achille, mắt cá ngoài qua bờ ngoài gan chân tới ngón V.
Biểu hiện ban đầu là cảm giác đau nhức vùng cột sống thắt lưng và vùng xương cùng. Ngoài ra, một số người bệnh còn xuất hiện cơn đau nhức lan xuống mông, đùi và bàn chân.
- Thoái hóa cột sống: Ở độ tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng càng tăng. Biểu hiện rõ rệt nhất là những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, kèm theo dáng đi không bình thường, cảm giác khó chịu, lưng có dấu hiệu còng xuống.
- Loãng xương: Nếu cơn đau diễn ra dữ dội ở phần lưng trên hoặc lưng giữa, kèm theo triệu chứng “lùn” đi khoảng 2cm trở lên…là những dấu hiệu cảnh báo loãng xương.
- Viêm khớp: Bệnh viêm khớp có thể diễn ra ở bất kỳ phần nào của lưng, nhưng phần thắt lưng phổ biến nhất.
- Sỏi thận: Khi bị sỏi thận, bệnh nhân thường thấy đau từng cơn dữ dội ở vùng thắt lưng. Cơn đau xuất phát từ hai hố thắt lưng, sau đó lan ra bụng, xuống bụng dưới và xuống đùi.
3.2 Do thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày
- Ngồi quá nhiều: Một trong những hoạt động khiến người trẻ tuổi thường bị đau lưng dai dẳng là do tiêu tốn quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính hoặc tivi. Khi ngồi nhiều, toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn vào hông, mông. Khi đó, cột sống phải làm nhiệm vụ chống đỡ, giữ cho lưng được thẳng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài lưng trở nên “quá tải” gây đau nhức ở vùng cột sống thắt lưng.
- Ngủ không đúng tư thế: Nhiều người có thói quen ngủ nằm úp bụng hoặc đầu không thẳng với cổ. Các tư thế này sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, về lâu dài sẽ trở thành cơn đau mãn tính. Các chuyên gia khuyên chúng ta khi ngủ nên nằm ngửa, giữ lưng thẳng để tốt cho hệ xương khớp.
- Do chấn thương: Những chấn thương do tai nạn, lao động hoặc chơi thể thao dẫn đến bong gân, giãn dây chằng, gãy cột sống…đều có thể khiến bạn bị đau lưng từ nhẹ đến nặng.
4. Phòng ngừa bệnh đau lưng
Để tránh bị đau lưng, chúng ta nên thường xuyên duy trì việc tập luyện lưng và cơ bụng, giữ dáng đi thẳng, mang giày thoải mái và có đế thấp, tránh mang vác, khiêng đồ nặng bằng tư thế sai, giảm cân (nếu thừa cân).
Hãy lưu ý chọn tư thế làm việc thích hợp như ngồi thẳng, đầu gối vuông góc, khi ngồi lâu nên chọn ghế chắc chắn vừa tầm cao của cơ thể; khi đứng làm việc nên giữ các đồ vật nên ngang khuỷu tay tránh phải đưa tay ra với; khi phải ngồi hoặc đứng lâu nên thay đổi tư thế, đi lại xung quanh.
Chú ý thường xuyên tập nhẹ nhàng các động tác lưng, bụng. Khi nằm ngủ nên chọn các loại nệm phẳng có độ cứng vừa phải (khoảng 3-5cm), nên tránh đeo túi lệch một bên.
5. Các biện pháp điều trị
Để yên tâm, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám trực tiếp và đánh giá mức độ cũng như tìm được nguyên nhân chính xác gây đau lưng, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp vì đau lưng cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý trầm trọng khác.
- Điều trị theo nguyên nhân. Nên điều trị đau cột sống thắt lưng kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống thắt lưng. Không lạm dụng điều trị ngoại khoa, đặc biệt đối với những trường hợp đau thắt lưng cấp hoặc bán cấp.
- Nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng khi ngồi dậy hoặc đi lại vận động, chiếu đèn hồng ngoại hoặc điều trị điện xung, châm cứu kết hợp dùng thuốc. Khi đỡ đau lưng có thể tăng dần mức độ hoạt động.
- Kết hợp các nhóm thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
- Chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong 3 tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).
Để phòng bệnh, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh hiểu rõ về bệnh và thực hiện các biện pháp tránh tái phát đau vùng thắt lưng: làm việc đúng tư thế đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng, tránh xoắn vặn vùng thắt lưng, nên bơi hàng tuần, tập luyện các động tác làm chắc khỏe cơ bụng, cơ lưng…