Mục lục bài viết
Dây chằng đầu gối là gì?
Dây chằng đầu gối hay dây chằng khớp gối là những dải ngắn gồm các mô liên kết sợi cứng. Chúng chủ yếu là các phân tử collagen dai, dài. Các dây chằng đầu gối liên kết xương đùi với các xương ở cẳng chân. Nhiệm vụ của chúng là ổn định khớp gối, ngăn chặn các chuyển động bất thường của các xương.
Chức năng của dây chằng đầu gối
Chức năng của các dây chằng đầu gối là: (1)
- Giảm áp lực khi chân chạm đất
- Kết nối xương đùi với các xương cẳng chân
- Giữ các xương ở đúng vị trí
- Ngăn chặn khớp gối bị vặn xoắn
- Duy trì sự ổn định khớp gối
- Ngăn đầu gối di chuyển theo bất hướng không an toàn
Cấu tạo của dây chằng đầu gối
Dây chằng khớp đầu gối có cấu tạo bao gồm 4 sợi dây chằng chéo trước, chéo sau và 2 dây chằng bên: (2)
1. Dây chằng chéo trước
Dây chằng chéo trước (ACL) có chức năng của là điều khiển các chuyển động xoay, chuyển động về phía trước của xương chày. Dây chằng chéo trước kết nối xương đùi với xương chày.
2. Dây chằng chéo sau
Dây chằng chéo sau (PCL) nằm ở phía sau đầu gối. Chức năng của dây chằng này là điều khiển chuyển động ra sau của xương chày. PCL liên kết xương đùi với xương chày.
3. Dây chằng bên trong
Dây chằng bên trong (MCL) kéo dài từ mặt trong đầu trên xương chày lên tới mặt trong đầu dưới xương đùi. MCL giúp duy trì sự ổn định cho đầu gối bên trong.
4. Dây chằng bên ngoài
Dây chằng bên ngoài (LCL) là dây chằng nằm bên ngoài khớp gối, tạo thành góc hẹp phía sau. Chức năng của LCL là giúp duy trì sự ổn định cho mặt ngoài của khớp gối.
Các chấn thương dây chằng chéo đầu gối thường gặp
1. Giãn dây chằng
Giãn dây chằng đầu gối là tình trạng dây chằng bị căng giãn quá mức. Tình trạng này gây ra các cơn đau nhức dữ dội hoặc đau âm ỉ kéo dài trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, khớp gối còn xuất hiện các triệu chứng như sưng, nóng đỏ, bầm tím xung quanh vùng tổn thương. Lúc này, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đứng dậy, vận động.
Nguyên nhân chủ yếu gây giãn dây chằng ở khớp gối là chấn thương trong thể thao, giao thông, lao động; tai nạn sinh hoạt gây va chạm trực tiếp tới đầu gối hay chấn thương xoắn (khi chạy hoặc khi đi xe gắn máy bị té ngã bất ngờ, dùng một chân để chống đỡ, dẫn đến chấn thương xoắn).
So với các dây chằng ở vị trí khác, tình trạng giãn ở dây chằng đầu gối thường nghiêm trọng, khó điều trị hơn. Tuy vậy, khi điều trị kịp thời và đúng cách, dây chằng tổn thương có thể phục hồi nhanh chóng. Người bị thương có thể sớm trở lại các vận động hằng ngày như bình thường.
2. Đứt dây chằng
Đứt (rách) dây chằng đầu gối xảy ra khi có lực tác động quá lớn tới khớp gối. Nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương này là chuyển động xoay hay cắt đột ngột. Đây là động tác thường gặp ở những môn thể thao có tính chất đối kháng như bóng đá, võ thuật, bóng rổ, bóng chuyền… Ngoài ra, đứt dây chằng cũng là chấn thương phổ biến trong tai nạn lao động và giao thông.
Các hoạt động dễ gây đứt dây chằng đầu gối gồm:
- Đột ngột tăng tốc độ và thay đổi hướng
- Tiếp đất không tốt sau một bước nhảy
- Đột ngột dừng khi đang chạy
- Một lực lớn tác động trực tiếp vào khớp gối hoặc va chạm mạnh (như trong một pha tranh bóng)
Vì sao dây chằng đầu gối dễ gặp chấn thương khi chơi thể thao?
Khi chơi thể thao, các dây chằng ở khớp gối dễ bị tổn thương do người chơi bị trẹo đầu gối khi thay đổi hướng quá nhanh, dừng lại đột ngột, tiếp đất không tốt sau một bước nhảy hay va chạm lực mạnh. Đặc biệt, tổn thương dây chằng chéo trước là chấn thương thường gặp trong những môn thể thao cường độ cao như đá banh, bóng chuyền, bóng rổ…
Khi bị chấn thương dây chằng đầu gối, người bệnh sẽ nghe thấy tiếng “rắc” ở vùng đầu gối, đi kèm triệu chứng lỏng gối. Một số dấu hiệu khác của chấn thương dây chằng khớp gối gồm:
- Sưng trong vòng 24 giờ, cần chườm lạnh và cố định vùng gối
- Vùng gối bị đau nhiều, đặc biệt là khi đi lại
- Hạn chế tầm vận động của khớp gối
- Teo cơ, gây suy yếu khớp gối
Những phương pháp điều trị chấn thương dây chằng tại BVĐK Tâm Anh
Đối với những trường hợp chấn thương dây chằng đầu gối không nghiêm trọng, trước tiên, bác sĩ thường chỉ định điều trị bảo tồn. Các phương pháp điều trị bảo tồn gồm sử dụng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, chườm lạnh, phục hồi chức năng khớp gối bằng những bài tập phù hợp. Tuy nhiên, khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định điều trị phẫu thuật cho người bệnh.
1. Phẫu thuật bảo tồn dây chằng
Các trường hợp dây chằng khớp gối đứt nhưng chưa bị teo, vẫn còn mạch máu nuôi, có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật bảo tồn dây chằng. Đây là giải pháp tối ưu giúp giữ nguyên dây chằng bị đứt, khâu nối nhánh đã đứt, vẫn giữ nguyên được những thành phần của dây chằng và gân xung quanh.
Ưu điểm của phương pháp này là hồi phục khả năng tái tạo, làm lành của dây chằng tổn thương, không cần lấy gân để ghép. Thời gian dây chằng tự lành sẽ nhanh hơn so với khi cơ thể phải tự tái tạo dây chằng mới.
Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh. Ngoài ra, phẫu thuật bảo tồn dây chằng còn giúp giữ nguyên được điểm bám tại hai đầu mâm chày và lồi cầu đùi theo đúng vị trí, kích thước giải phẫu của dây chằng.
Khi được nối lại, những mạch máu và thụ cảm thể của gốc dây chằng sẽ còn nguyên, tránh được tình trạng tái đứt dây chằng do căng quá mức.
2. Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng
Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo là phương pháp ít xâm lấn rất hiệu quả, dựa trên sự hỗ trợ của những thiết bị nội soi giúp quan sát bên trong khớp gối. Nhờ đó, phẫu thuật viên sẽ có hướng xử trí phù hợp, mang tới hiệu quả cao, ít mất máu và nâng cao khả năng hồi phục.
Đây cũng là kỹ thuật đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro khi mổ. Vì thế, khi có chỉ định phẫu thuật, người bệnh nên đến những cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhằm tránh những rủi ro cho sức khỏe.
Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, giúp người bệnh nhanh phục hồi
Làm gì để giữ dây chằng khỏe mạnh và phòng tránh chấn thương?
Để giảm thiểu nguy cơ mắc chấn thương dây chằng đầu gối, cần lưu ý: (3)
- Áp dụng chế độ ăn uống đủ chất, lành mạnh. Khi có nguy cơ thoái hóa dây chằng hay các đối tượng dễ chấn thương đầu gối như người lớn tuổi, vận động viên…, nên ưu tiên bổ sung vitamin D, canxi và chất chống oxy.
- Khi chơi thể thao, lao động, lái xe, lên xuống cầu thang hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, bạn nên thận trọng, tránh té ngã hoặc va chạm mạnh. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương các dây chằng ở vùng gối.
- Trong vận động hằng ngày, để giảm thiểu áp lực lên khớp gối và dây chằng, bạn nên hạn chế mang giày cao gót, đồng thời cần duy trì cân nặng hợp lý để phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì.
- Trước khi vào bài tập chính cần khởi động thật kỹ. Bước chuẩn bị này sẽ giúp làm nóng cơ thể, kích thích lưu thông máu, giảm đau nhức cơ xương khớp, tăng tính linh hoạt cho cơ thể và ngăn ngừa chấn thương hiệu quả.
- Người từ độ tuổi trung niên trở lên nên hạn chế tham gia những môn thể thao có cường độ cao, dễ gây giãn/đứt dây chằng như nhảy cao, nhảy bật xa, đá bóng, nâng tạ nặng, thể dục dụng cụ… Duy trì vận động và chơi những bộ môn với cường độ thấp như tập dưỡng sinh, yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ…
- Hạn chế thực hiện đột ngột những động tác làm gia tăng áp lực lên đầu gối, vì dễ dẫn đến tình trạng căng giãn hoặc đứt dây chằng.