Trong một số trường hợp chấn thương rách sụn chêm, sụn chêm có thể được khâu lại và câu hỏi đặt ra là: chương trình tập luyện sau mổ khâu sụn chêm sẽ như thế nào?
Nẹp cố định đầu gối : Bệnh nhân đã được khâu sụn chêm phải đeo nẹp cố định đầu gối toàn thời gian trong 3 tuần đầu tiên để bảo vệ phần sụn đã sửa chữa trong giai đoạn lành vết thương đầu tiên. Nên đeo nẹp cả khi bạn đang ngủ. Nẹp chỉ được tháo ra khi tập thể dục và tắm theo hướng dẫn của vật lý trị liệu.
Co gối: không nên gập đầu gối quá 90 độ trong 3 tuần đầu.
Sau 3 tuần, bạn sẽ chuyển từ nẹp cố định sang nẹp bản lề co duỗi được gối. Và bạn có thể bắt đầu tập co gối từ 90 độ đến tối đa 120 độ.
Nạng : Bạn phải sử dụng hai nạng khi đi lại trong 2-3 tuần đầu tiên sau mổ, chạm nhẹ chân phẫu thuật xuống đất với mỗi bước đi, có mang nẹp cố định gối khi đi.
Một số bài tập sau phẫu thuật:
+ Tập cổ chân : Đạp bàn chân xuống và ngóc bàn chân lên (giống như nhấn bàn đạp ga), và giữ trong thời gian khoảng 10 giây. Bài tập này nhằm làm tăng lưu thông máu, duy trì sức cơ và phản xạ của bàn chân.
+ Nâng chân thẳng : Siết chặt cơ tứ đầu, giữ thẳng gối và nâng chân lên khỏi giường từ 20-30 cm, gồng cơ và giữ trong vòng 10 giây, hoặc theo khả năng có thể của bạn. Sau đó từ từ hạ chân xuống, nghỉ ngơi vài giây trước khi bắt đầu một rep tập mới.
+ Tập co gối: Đặt gót chân lên giường, dùng tay đỡ đầu gối và nâng lên, theo dõi gót chân trượt về phía bạn. Bắt đầu co từ 30-45 độ và tới 90 độ trong tuần đầu tiên.
+ Bên cạnh các bài tập trên: bạn có thể tập các bài vận động cho tay thường xuyên. Bạn có thể sử dụng tạ nhẹ cho các bài tập cho tay.
Lưu ý: Sau khi khâu sụn chêm, không thể thực hiện các động tác vặn, xoay người, ngồi xổm, gập đầu gối sâu hoặc các hoạt động vận động mạnh trong bốn tháng.
Đăng Ký Kênh Youtube Để Theo Dõi Video Chia Sẽ BS. Dũng